Ngay trong những ngày đầu của quý II/2018, nhiều bộ, ngành đã công bố cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Cụ thể,  Bộ Y tế sẽ cắt giảm 1.151 điều kiện kinh doanh, đạt tỷ lệ 68,51%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh, đạt trên 76%. Bộ Giao thông vận tải công bố cắt giảm 384 điều kiện kinh doanh, tương đương 67%.... Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư kinh doanh…  

20160906205352_giay_phep_con_1507166186601_grqe.jpg
Nhiều bộ ngành đã công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh. (Ảnh minh họa: KT)

Đánh giá về việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh của các bộ ngành, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, không chỉ công bố cắt giảm điều kiện kinh doanh đúng hạn mà tỷ lệ cắt giảm đều vượt khá nhiều so với mức tối thiểu 50% mà Chính phủ đưa ra.

“Đây là nét nổi bật và là động thái tích cực của các bộ ngành trong thời gian qua. Điều này thể hiện tín hiệu rõ ràng về sự chuyển động của các bộ, ngành trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân”, ông Đậu Anh Tuấn chỉ rõ.

Theo ông Tuấn, việc công bố rộng rãi cho cộng đồng xã hội biết phương án cắt giảm cũng là nỗ lực lớn thể hiện bước đi công khai, dân chủ của các bộ, ngành. Bởi khi công bố như vậy, cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, người dân có thể giám sát quá trình sửa đổi.

“Qua đây, doanh nghiệp có thể cung cấp thêm thông tin để các bộ ngành có phương án cắt giảm tiếp những điều kiện kinh doanh mà doanh nghiệp chưa hài lòng. Bởi để cắt giảm những điều kiện kinh doanh này không hề đơn giản, cắt bỏ thủ tục tức là các bộ ngành phải nhận cái khó về mình mà không thể đẩy cái khó cho doanh nghiệp, người dân như trước đây nữa”, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nêu rõ.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của việc cắt giảm thủ tục hành chính thì những vướng mắc trong quản lý, kiểm tra chuyên ngành như danh mục mặt hàng nhiều, quản lý chồng chéo, quản lý không theo nguyên tắc rủi ro, chi phí kiểm tra chuyên ngành lớn… vẫn gây nhiều trở ngại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn cho hay, để đạt hiệu quả cao thì việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất chứ không phải cắt giảm theo thành tích. Các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nên tham gia sâu vào quá trình này.

Về lâu dài, trong quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, luật cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ biên bản ra thủ tục hành chính mới. Đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải tiến hành thận trọng qua nhiều bước tham vấn, quan sát chặt chẽ và cần có cơ quan thẩm định độc lập thì mới ngăn chặn được tình trạng ra các điều kiện kinh doanh mới không phù hợp.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ ngành không nên giao cho các vụ, cục vốn đang thực hiện cấp phép tiến hành chủ trì các chương trình rà soát, ban hành văn bản và cắt giảm. Bởi kinh nghiệm đến thực tiễn cho thấy, đơn vị nào đang được quyền cấp phép, bằng cách này hay cách khác luôn tìm cách giữ lại tư duy cấp phép hay giữ lại điều kiện kinh doanh.

Trong từng bộ, ngành cụ thể, việc chủ trì chương trình cắt giảm nên giao cho những đơn vị độc lập, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay cấp phép, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, bền vững./.