Cải cách nhưng chưa đáng kể

Hàng năm, ở nước ta có khoảng 10 bộ luật được thông qua, khoảng 100 nghị định được ban hành, và có đến 600 -700 thông tư được ra đời. Luật và nghị định thì ít thay đổi, nhưng thông tư thì thay đổi liên tục, đem lại rất nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (DN). Và với các DN có kinh doanh những ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì luôn sợ “giấy phép con”. Giấy phép con, thậm chí là “giấy phép cháu” đã trở thành một rào cản vô hình cho sự phát triển của các DN và nền kinh tế.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, thời gian qua, các Bộ, ngành đã vào cuộc tích cực hơn trong việc rà soát, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ĐKKD. Tuy nhiên, tiến triển cải cách không đồng đều. Sự chậm trễ, thiếu quyết liệt vẫn còn ở nhiều Bộ, ngành.

giay_phep_con_kiwq.jpg
"Giấy phép con" vẫn bủa vây doanh nghiệp (Ảnh minh họa: KT)

Theo bà Thảo, vẫn còn sự lúng túng trong phân biệt ĐKKD đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, nhiều điều kiện về quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa được quy định thành ĐKKD.

“Một số điều kiện đầu tư kinh doanh đặt ra yêu cầu quá mức cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, tạo ra rào cản gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, như: yêu cầu phải sở hữu phương tiện, máy móc, thiết bị; áp đặt phương thức kinh doanh cứng nhắc, can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ tổ chức sản xuất kinh doanh của DN; quy định thời hạn Giấy phép kinh doanh quá ngắn; yêu cầu nhân viên quản lý hoặc vận hành của doanh nghiệp phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức và thu phí…”, bà Nguyễn Thị Minh Thảo chỉ rõ.

Bà Thảo cho rằng, những quy định như vậy đã và đang tạo ra nhiều rủi ro cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, không khuyến khích sáng tạo, hạn chế cạnh tranh, làm gia tăng chi phí của DN và ảnh hưởng nhất định đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

“Dở khóc, dở cười” vì điều kiện kinh doanh

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, bản chất điều kiện kinh doanh là không xấu, vì thực tế, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải có những công cụ quản lý những ngành nghề kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định, và DN cũng cần phải kinh doanh trong khuôn khổ của pháp luật. Nhưng có một thực tế là với những quy định của luật hiện hành, cụ thể là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2014, cùng những luật khác có liên quan, thì DN đang lại bị gây khó dễ, thậm chí rơi vào tình huống “dở khóc dở cười” với vô vàn đòi hỏi từ các giấy phép con.

Có thể lấy những ví dụ như: Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành bảo dưỡng ô tô, có quy định nhập khẩu xe phải có giấy chứng nhận kiểu loại linh kiện của lốp, gương chiếu hậu, đèn chiếu sáng phía trước…  

TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương
Hoặc có những ĐKKD quá vô lý, kiểu bắt bí DN. “Có 1 số ĐKKD yêu cầu diện tích tối thiểu và năng lực sản xuất tối thiểu, ví dụ như bán thuốc trừ sâu phải có diện tích tối thiểu là 10 m2 trở lên, trước đây là 20 m2. Tại sao lại phải quy định diện tích tối thiểu là 10 m2 trở lên? Thế nếu kinh doanh qua mạng hay người ta không có địa điểm kinh doanh thì sao?” ông Phan Đức Hiếu đặt câu hỏi.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho thấy có những điều kiện kinh doanh kiểu “trên trời” như: kinh doanh khí gas muốn thành lập tổng đại lý thì phải có một số lượng đại lý nhất định, nhưng để được cấp phép đại lý thì phải được sự chấp thuận của tổng đại lý… Như vậy, những người mới gia nhập thị trường sẽ không bao giờ xin được giấy phép. Hay như một công nhân vận chuyển bình gas cũng cần tới 7 chứng chỉ…

Bên cạnh đó, có nhiều ĐKKD được quy định không rõ ràng, chung chung, khó xác định, kiểu ai muốn hiểu thế nào thì hiểu như: “phải phù hợp”, “phải đủ”, “ phải sạch sẽ”, “ phải thoáng mát”, “ phải thuận tiện… và đặc biệt là có một số tiêu chuẩn, quy chuẩn đã bị biến tướng thành ĐKKD.

“Chúng tôi đang cho thống kê cụm từ “phải phù hợp”, “có địa chỉ rõ ràng”, “phải đủ trang thiết bị”, “phải sạch sẽ”… Có rất nhiều cụm từ mà không biết phải hiểu thế nào là “đủ”, thế nào là “rõ ràng”, thế nào là “cụ thể”, là “phù hợp”, “đáp ứng”…”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Năm 2018, Chính phủ đặt ra mục tiêu cắt giảm 50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, nhưng đã gần hết quý 1 mà sự chuyển động của các bộ ngành vẫn chậm chạp, và cũng chưa có một lộ trình rõ ràng. Các chuyên gia cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN là tiền đề quan trọng giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2018.

Do vậy, điểm mấu chốt là các Bộ, cơ quan cần nêu cao tinh thần trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa trong công tác hoàn thiện thể chế, bảo đảm đúng tiến độ, thời gian và tính hiệu lực, hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc cắt giảm ĐKKD cần đi vào thực chất, không cắt giảm hình thức, không gom nhiều ĐKKD lại làm một, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ để “bẫy” doanh nghiệp./.