Sáng 4/7, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị “Tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi giá trị”. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị.
Nghề khai thác cá ngừ đại dương du nhập vào Việt Nam từ năm 1994, xuất hiện chủ yếu ở 3 tỉnh Bình Định, Phú yên, Khánh Hòa. Đến nay, số lượng tàu khai thác cá ngừ tăng lên 3.500 chiếc, sản lượng khai thác năm 2013 đạt gần 16.000 tấn.
Tuy phát triển nhanh, nhưng ngành sản xuất cá ngừ bộc lộ nhiều yếu kém. Tàu thuyền nhỏ, trang thiết bị, công nghệ khai thác bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công, lạc hậu, tổ chức sản xuất thiếu chặt chẽ. Hoạt động thu mua, tiêu thụ sản phẩm phân tán, không được kiểm soát.
Phương thức mua xô, ép cấp, ép giá gây bất lợi lớn cho ngư dân, không khuyến khích ngư dân trong việc bảo quản sản phẩm, nâng cao chất lượng dẫn đến tổn thất sau thu hoạch lớn cả về chất lượng cũng như giá trị. Vì vậy, để khai thác bền vững nguồn lợi cá ngừ, nâng cao hiệu quả kinh tế, việc tổ chức thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi là rất cần thiết.
Tại Hội nghị, Tổng cục Thủy sản trình bày Đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Theo đó, để thực hiện đề án này, từ nay đến năm 2020, cần có 5.770 tỷ đồng để cải hoán, đóng mới tàu khai thác, xây dựng trung tâm giao dịch cá ngừ tại tỉnh Khánh Hòa; tổ chức hoạt động dịch vụ hậu cần cá ngừ tại cảng đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Trong đó, kinh phí sẽ dành hơn 2.700 tỷ đồng để nâng cấp cải hoán 2.600 tàu hiện có và đóng mới 1.000 tàu khai thác và tàu dịch vụ cá ngừ hiện đại. Bộ NN&PTNT cũng quy hoạch sản lượng khai thác, số lượng tàu, kiểm soát chặt chẽ việc đóng mới tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Để ngư dân sản xuất kinh doanh có hiệu quả, việc giới thiệu những công nghệ đánh bắt, những kiểu mẫu tàu, trang thiết bị, quy trình khai thác, bảo quản sản phẩm cũng như hệ thống tổ chức thu mua, chế biến tiêu thụ cho ngư dân cần được rà soát và điều chỉnh một cách đồng bộ./.