Giá xuất khẩu thấp nhất thế giới

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT): Xuất khẩu (XK) cá ngừ trong những năm qua tăng trưởng liên tục, nhất là năm 2012. Trong vòng 5 năm, kim ngạch XK cá ngừ đã tăng mạnh, từ 188,7 triệu USD (năm 2008) lên 570 triệu USD (năm 2012). Tuy nhiên, năm 2013, mặc dù khối lượng XK cá ngừ tăng tới 30% nhưng giá trị XK lại giảm 10% do giá XK giảm tới 40% so với năm 2012. Hiện, cá ngừ Việt Nam đã XK sang 99 thị trường, với các thị trường chủ lực gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Israel, Canada, Tunisia và Mexico.

 

Sản lượng xuất khẩu cá ngừ tăng nhưng giá trị lại giảm (Ảnh: KT)

 

Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: Từ năm 2011 trở về trước, giá cá ngừ tương đối ổn định. Cá ngừ câu vàng dao động từ 140.000 - 160.000 đồng/kg, có thời điểm giá đạt 190.000 - 200.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, nghề câu cá ngừ đại dương gặp khủng hoảng lớn về giá XK. Giá cá câu tay chỉ còn trên dưới 50.000 đồng/kg, đồng thời kéo theo giá cá câu vàng chỉ còn trên dưới 120.000 đồng/kg. Giá cá ngừ vằn và các loại ngừ khác xuống tới 25.000 - 32.000 đồng/kg tùy theo từng cỡ. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do sự phát triển nóng của nghề câu tay kết hợp với ánh sáng đã tác động làm thay đổi áp suất đột ngột, cá vùng vẫy, phản kháng mạnh khiến thịt cá và mạch máu bị vỡ, làm thịt cá bị chua, chất lượng giảm nhanh. Uy tín thương hiệu cá ngừ Việt Nam ở các thị trường lớn (Nhật Bản, Mỹ,…) vì thế mà bị giảm sút, giá cá ngừ XK rơi xuống mức thấp nhất thế giới.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản (Tổng cục Thủy sản): Điểm yếu lớn của ngành khai thác cá ngừ Việt Nam là chưa hình thành được chuỗi liên kết giữa các khâu. Trong chuỗi sản phẩm giá trị cá ngừ, khâu khai thác, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và khâu thu mua, tiêu thụ cá ngừ sau khai thác là những khâu yếu nhất, đặc biệt là công tác bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và quản lý thị trường. Những khâu này không những không tạo nên mối liên kết hiệu quả, bền vững cũng như động lực cho sự phát triển mà còn gây ra ảnh hưởng rất lớn đến việc sụt giảm chất lượng, giá trị của sản phẩm cá ngừ, hiệu quả sản xuất và đời sống của ngư dân.

Ông Tuấn đánh giá, nguồn lợi và năng lực sản xuất cá ngừ còn nhiều tiềm năng, tuy nhiên thời gian qua cá ngừ chưa được xác định là đối tượng chủ lực và có giá trị kinh tế đối với tổ chức sản xuất trong khai thác xa bờ, cũng như phát triển ngành sản xuất, chế biến, tiêu thụ và XK cá ngừ nên chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, lũng đoạn thị trường, ép cấp ép giá trong thu mua, tiêu thụ, kinh doanh sản phẩm cá ngừ thường xuyên xảy ra… cũng là những vấn đề cản trở sự phát triển bền vững của cá ngừ Việt Nam.

Đề án mở đường?

Để giải quyết những tồn tại của ngành cá ngừ, giúp ngành này phát triển xứng với tiềm năng, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Dự thảo Đề án tổ chức, khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Hiện nay, Bộ đã kết thúc việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Đề án, đang trong quá trình hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được phê duyệt và triển khai hiệu quả trong thực tế, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra những bước chuyển mạnh mẽ, tạo lực đẩy cho ngành cá ngừ vốn trì trệ bấy lâu.

Đề án hướng tới mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn lợi cá ngừ đại dương, hài hòa lợi ích cho các bên tham gia trong chuỗi từ khai thác, thu mua, chế biến tiêu thụ với tinh thần chung là sẽ tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển ngành cá ngừ, tạo ra liên kết chặt chẽ theo chuỗi giữa các khâu, đảm bảo giá trị kinh tế. Mục tiêu cụ thể đặt ra trong Đề án, đến năm 2020, tàu khai thác cá ngừ được quản lý bằng cấp phép sản lượng khai thác, hoạt động theo các mô hình tổ đội, liên kết sản xuất trên biển; 50% tàu đóng mới khai thác cá ngừ bằng vật liệu vỏ thép hoặc vật liệu mới; 100% tàu đóng mới được trang bị hệ thống bảo quản tiên tiến; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.

Phát biểu tại cuộc họp góp ý cho Dự thảo Đề án lần cuối mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh, Đề án sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu là quản lý quy hoạch, cơ cấu lại đội tàu theo nguồn lợi. Theo đó, các địa phương cần có những quy định cụ thể về hạn mức số tàu tham gia khai thác. Việc tổ chức liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ theo cả liên kết dọc và liên kết ngang cũng cần các địa phương có phương án cụ thể. Về vấn đề thực hiện hiện đại hóa tàu cá, cần trước hết là nâng cấp, cải hoán tàu gỗ, khuyến khích việc bọc tàu gỗ bằng vỏ thép, cần đặc biệt lưu ý tới việc làm hầm bảo quản. Việc đóng tàu dịch vụ tham gia cùng các tổ đội sản xuất cũng cần làm song song với việc hiện đại cơ sở, hạ tầng hậu cần nghề cá. Đề án sẽ được triển khai tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa với tổng kinh phí triển khai các nội dung là 760 tỷ đồng./.