Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các cam kết tương thích với yêu cầu cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Khi được ký kết sẽ tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế, xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin, nắm bắt thời cơ mới. Đi cùng với các cơ hội là những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt.
Dệt may - một trong số các sản phẩm dễ thâm nhập vào thị trường quốc tế khi TPP được ký kết |
Đến thời điểm này, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã hoàn tất 19 vòng đàm phán chính thức và đang bước vào giai đoạn quyết định với các lĩnh vực đàm phán là: Mở cửa thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, thương mại điện tử…
Dự kiến, cuối năm nay, việc đàm phán sẽ hoàn tất. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi Hiệp định được ký kết Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội để thâm nhập vào thị trường quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những sản phẩm có thế mạnh như dệt may, thủy sản, giày dép, sản phẩm gỗ...
Đồng thời, thúc đẩy đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam, tận dụng tốt hơn cơ hội do quá trình tái cấu trúc cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế cho biết: Cơ hội lớn nhất là chúng ta sẽ có điều kiện cải thiện cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, cơ hội thứ 2 là mở thêm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam nếu như thuế được xóa bỏ trở về 0%. Đây sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trên một số thị trường và một số mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ cú hích này. Nếu hiệp định này thành công, chúng ta sẽ có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế. Quá trình này được tham gia vào TPP cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu nền kinh tế với mô hình tăng trưởng của chúng ta.
Với ngành dệt may, một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, vốn đã nhiều lần gặp khó khăn trước rào cản thuế quan và hạn ngạch của các nước, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ là cơ hội quan trọng để mở rộng thị phần sang các thị trường lớn, nhiều tiềm năng, trong đó có Hoa Kỳ.
Theo tính toán, nếu đàm phán thành công, 95 chủng loại sản phẩm dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ được hưởng thuế suất 0%, trong khi thuế suất hiện nay là 17,5%. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang thị trường này có thể tăng từ 13% đến 20%/năm trong giai đoạn 2013 – 2017 và có thể đạt từ 25 – 30 tỷ USD vào năm 2025. Cùng với đó, giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa của ngành sẽ được nâng cao. Dự kiến ngành sẽ đạt mục tiêu nội địa hóa 60% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020.
Ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết: Hiệp hội dệt may Việt Nam rất quan tâm đến nội dung đàm phán dệt may trong quy tắc xuất xứ và trong bảng chào thuế, tất cả những điều này nhằm góp phần thực hiện một chiến lược xuyên suốt của ngành dệt may đó là đẩy mạnh tăng trưởng quy mô xuất khẩu, từ đó có một chuỗi cung ứng hoàn thiện và ngành dệt may có thể phát triển bền vững. Thứ hai, do đặc thù của dệt may thế giới là một ngành cung ứng theo chuỗi, nếu như có quy mô xuất khẩu lớn và có lợi ích thuế quan tốt, quy mô xuất xứ từ Việt Nam được hưởng lợi thế trên thị trường thế giới, việc thúc đẩy lựa chọn Việt Nam trở thành thành viên chính thức của các chuỗi cung ứng sẽ được tiến hành nhanh hơn.
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, giúp tăng thêm 68 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu và 36 tỷ USD cho tổng thu nhập quốc dân vào năm 2005. Tuy vậy, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi tham gia “sân chơi” này là sức ép cạnh tranh rất lớn. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp còn bị động và chưa có ý thức tham gia cũng như tham vấn đàm phán nên không nắm rõ những điều khoản đàm phán dẫn đến khả năng thiệt thòi rất cao.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng: Việc học, đọc các cam kết đối với TPP có hai điều, một là cam kết mở cửa, hai là hiệp hội, chính phủ mời luật gia nghiên cứu để nói vấn đề pháp lý và xử lý tranh chấp trong TPP rất cao. Bởi TPP bản chất là chính sách sau đường biên giới, cho nên đây chính là chính sách và cải cách của Việt Nam, không chỉ là TPP đòi hòi điều gì mà cách thức nghiên cứu, cách thức nhìn nhận, tầm nhìn, truyền tải thông tin phải phối hợp nhiều yếu tố, bao gồm pháp lý, cam kết, cam kết, cải cách chính sách trong nước đối với doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chuyển đổi, trình độ phát triển thấp, khoảng cách giữa đòi hỏi của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và năng lực thực tế của Việt Nam là không nhỏ. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế, khuôn khổ pháp lý, chế tài thực thi, để có thể đáp những ứng cam kết trong Hiệp định./.