Hành vi gian dối về kinh tế, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu nhằm làm tăng khối lượng, bán giá cao hơn đã trở thành nỗi nhức nhối tại vùng bán đảo Cà Mau.

Việc đưa tạp chất vào tôm thường diễn ra vào các thời điểm giáp vụ, lúc khan hiếm nguyên liệu. Trong đó, phương thức, thủ đoạn đưa tạp chất vào tôm ngày càng tinh vi để đối phó với việc kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng.

vov_tnl_mudj.jpg
Hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã bị cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu lên án từ lâu.
Một số đối tượng đã lén lút thực hiện bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu tại các địa phương như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng trong vài năm qua. Đây là hành vi gian dối về kinh tế, gây ảnh hưởng đến uy tín của tôm Việt Nam. Việc làm “bẩn” này đã bị cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu lên án từ lâu. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng vì cái lợi trước mắt mà cố tình vi phạm.

Anh Bào Văn Mến, một người dân nuôi tôm sú ở xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, mặc dù rất bức xúc trước việc làm này nhưng không làm gì được. Bởi phần lớn hành vi gian dối này tập trung ở khâu trung gian là các thương lái thu mua tôm nguyên liệu.

“Những người nuôi tôm không bao giờ làm việc này, cứ thấy có người mua là cân tôm bán. Như vậy chỉ có những người thu mua mới bơm tạp chất trước khi chuyển sang xí nghiệp chế biến. Hành động này đã làm mất uy tín, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người nuôi tôm”, anh Mến cho biết.

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp Cà Mau, trong năm qua, lực lượng chức năng của tỉnh tiến hành trên 60 đợt kiểm tra, qua đó phát hiện 57 vụ vi phạm, số lượng tôm có chứa tạp chất mà lực lượng ghi nhận được gần 12 tấn. Số tiền xử phạt hành chính lên đến gần 2 tỷ đồng.

Trong đó, vụ việc phát hiện tại Công ty TNHH Chế biến Xuất nhật khẩu Thủy sản Quốc Ái ở xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình đã cho thấy mức độ và hành vi gian dối ngày càng nghiêm trọng. Trong một thời gian ngắn (cụ thể là ngày 22/8 và 29/8/2016), ngành chức năng đã liên tục kiểm tra và bắt quả tang doanh nghiệp có hành vi bơm tạp chất vào tôm. Qua đó đã thu giữ số lượng lớn tôm có tạp chất và các nguyên liệu, dụng cụ để bơm vào tôm; đồng thời Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 550 triệu đồng.

Ông Lữ Văn Rê, người dân nuôi tôm tại Cà Mau cho biết, đây là việc làm gian dối mà khâu trung gian cố tình thực hiện để thu lợi nhuận cao hơn.

“Họ mua tôm về rồi bơm tạp chất vào, con tôm của dân nuôi là tôm tươi đàng hoàng không bao giờ có chuyện bơm tạp chất. Việc này chỉ có chính quyền hoặc cơ quan chức năng xử lý, người dân không thể làm gì được”, ông Rê cho biết.

Ông Huỳnh Thanh Tân, Giám đốc Công ty CP chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau cho biết, đây là việc làm gây tổn hại rất lớn đối với việc sản xuất, xuất khẩu mặt hàng tôm của đất nước. Một “con sâu làm rầu nồi canh” đã làm ảnh hưởng lớn đến cả hệ thống doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chính vì thế, ông Tân cho rằng phải xử lý nghiêm hơn nữa đối với các cá nhân, tập thể, khâu trung gian góp phần làm mất uy tín của ngành hàng sản xuất có thế mạnh của quốc gia.

“Nếu chính sách pháp luật nghiêm và cả hệ thống đồng lòng, quyết tâm làm sẽ làm được thôi. Việc bơm tạp chất vào tôm không chỉ 1 người làm được, phải có sự tham gia của rất nhiều người nên địa phương không thể không biết”, ông Tân chỉ rõ sự bất cập.

Siêu lợi nhuận từ việc đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu đã khiến cho một số thương lái, cá nhân bất chấp quy định của pháp luật để thực hiện hành vi gian dối. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất.

Mục tiêu đến hết năm nay, tất cả cơ sở nuôi tôm, cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến tại địa bàn 4 tỉnh thuộc vùng bán đảo Cà Mau gồm Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang ký cam kết không đưa tạp chất vào tôm trước khi tiêu thụ.

Đây chính là sự kiên quyết từ Chính phủ với quyết tâm nâng cao chất lượng và đưa thế mạnh của ngành tôm thành ngành hàng chủ lực của đất nước, có lợi thế cạnh tranh trên thế giới./.