Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) - Đinh La Thăng mới có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho dừng hoạt động của tàu cao tốc cánh ngầm từ TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành phối hợp với TP HCM và các địa phương xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ này xây dựng Nghị định của Chính phủ về điều kiện kinh doanh với đối với loại hình vận tải hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam để nâng cao điều kiện an toàn cho hoạt động vận tải hành khách bằng tàu cao tốc.

Theo dự thảo Nghị định quy định niên hạn sử dụng phương tiện thủy cao tốc chở khách tại Việt Nam của Bộ GTVT đã trình Chính phủ, niên hạn sử dụng của tàu đệm khí không quá 18 năm, tàu chở khách cao tốc không quá 20 năm.

Số liệu thống kê cho thấy, tính từ tháng 6/2007 đến hết năm 2013 đã xảy ra 38 trường hợp sự cố, tai nạn liên quan đến tàu cánh ngầm. Trong đó có 2 vụ tai nạn nghiêm trọng làm 2 người chết và chìm một phương tiện nhỏ do va chạm trên sông; 6 vụ tai nạn do thuyền trưởng không làm chủ tốc độ, va chạm với phương tiện khác hoặc phao tiêu.

Đầu năm 2014 đã xảy ra vụ tại nạn đặc biệt nghiêm trọng làm cháy tàu Vina Express 1 vào ngày 20/1 trong khi chạy từ TP HCM đi Vũng Tàu. Con tàu bị cháy khi đang chở 85 hành khách và 7 thuyền viên.

Trước tình hình tai nạn, sự cố có liên quan đến tàu cánh ngầm tại khu vực TP HCM và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 24/2, Bộ GTVT đã thành lập đoàn kiểm tra toàn diện các điều kiện về an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường của các tàu cao tốc cánh ngầm đang hoạt động.

Theo kết quả của đoàn kiểm tra từ ngày 27/2 đến ngày 22/3 đã phát hiện tổng số 254 khiếm khuyết ở 8 tàu được kiểm tra. Trong đó, có 77 khiếm khuyết ở khoang két; 47 khiếm khuyết ở các hệ thống, thiết bị phục vụ máy, máy bơm; 26 khiếm khuyết ở buồng, khoang chở khách; 17 khiếm khuyết ở bệ đỡ hệ trục.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, các khiếm khuyết được phát hiện trong quá trình kiểm tra nếu có khắc phục được thì cũng chỉ mang tính tạm thời, không ổn định và không đồng bộ do tàu cũ (hầu hết trên 20 tuổi), khai thác nhiều năm, hoạt động với tần xuất cao và hoán cải sửa chữa nhiều lần. Vì vậy, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đặc biệt là nguy cơ liên quan đến an toàn phòng cháy, chữa cháy như những khiếm khuyết ở hệ thống máy và điện.

Loại hình vận chuyển hành khách bằng tàu cao tốc cánh ngầm được đánh giá là hình thức vận chuyển thuận tiện, nhanh chóng. Loại hình vận tải này được đưa vào khai thác tại TP HCM và Vũng Tàu từ năm 1993, mỗi năm trung bình chuyên chở được 900.000 hành khách với khoảng từ 6.000 - 6.500 lượt tàu hoạt động nên đã giảm tải được cho đường bộ từ TP HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại.

Tính đến ngày 22/1/2014, ở khu vực TP HCM – Vũng Tàu có 10 tàu đang hoạt động, 12 tàu đã ngừng hoạt động do tàu quá cũ, hư hỏng không có khả năng sửa chữa, khôi phục. Trong số 10 tàu đang hoạt động có 8 tàu trên 20 tuổi, 1 tàu 19 tổi, 1 tàu 18 tuổi. Đặc biệt, 9/10 tàu đã được hoán cải thay máy chính mới.

Hành trình của tàu cánh ngầm trong điều kiện thời tiết bình thường từ TP HCM đi Vũng Tàu và ngược lại khoảng 1h30’ với cự ly hành trình 77km./.