Những vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng đã làm cho dư luận đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông đường thủy, trong đó có hệ thống tàu cánh ngầm. Hơn lúc nào hết, việc chấn chỉnh lại hoạt động của các hãng tàu cánh ngầm nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là trong mùa mưa bão hiện nay. 

tau-canh-ngam.jpg

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 3 hãng tàu cánh ngầm tham gia kinh doanh vận tải hành khách tuyến TP HCM – Vũng Tàu và ngược lại, gồm: Vina Express, Công ty TNHH Quang Hưng, và Công ty TNHH Dòng sông xanh (Greenline) với 18 tàu, trong đó có 13 chiếc loại 2 động cơ chính có sức chở 132 hành khách/tàu và 5 chiếc có 1 động cơ chính có sức chở 75 hành khách/tàu. Hầu hết những tàu này đã cũ, được nhập từ Nga và các nước Đông Âu, có thâm niên sử dụng từ 20 năm trở lên.

Do thời gian hoạt động đã quá lâu nên các phương tiện đều đã cũ, xuống cấp. Nhiều phương tiện không có hệ thống radar, hệ thống kính cường lực của tàu sau vài chục năm đã mờ đục, không thể hoạt động khi trời mưa giông. Thêm vào đó, do công suất khai thác luôn ở mức tối đa. Trung bình mỗi ngày một chuyến hoạt động từ 8 đến 10 lượt đi về, những ngày nghỉ, lễ thì tăng đến 10 - 12 lượt. Các chủ tàu chỉ sửa chữa chắp vá, không thực hiện chế độ bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ theo quy định, nên máy móc hầu như rệu rã, chuyện nằm đường thường xuyên xảy ra. Từ năm 2004 đến nay, hàng loạt sự cố tàu cánh ngầm chết máy giữa đường, gây tai nạn đã khiến dư luận lo ngại.

Ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa Vũng Tàu cho biết, qua kiểm tra sơ bộ một số hãng tàu chưa thực hiện hết chức năng khi yêu cầu như bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn

Bất cập hiện nay là trong các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa có quy định nào về tuổi, niên hạn sử dụng tàu cao tốc. Thứ hai là chưa có những qui định về tốc độ tàu cao tốc trên đường thủy nội địa được chạy bao nhiêu km/h.

Ngoài ra, các quy định về điều kiện an toàn phương tiện thủy và công tác đảm bảo an toàn cho hành khách đi tàu cao tốc vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra chặt chẽ. Trong khi đó, có không ít các chủ phương tiện – doanh nghiệp kinh doanh vận tải tàu cánh ngầm tự tung, tự tác, coi thường sinh mạng của hành khách. Mặt khác, tàu cao tốc chỉ có một cửa thoát hiểm, rất nhỏ, từng người bước ra, bước vào đã khó, nên khi xảy ra tai nạn không tránh khỏi sự thảm khốc.

Ông Trần Thế Kỷ- Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Quản lý các doanh nghiệp rất khó nếu như không có biện pháp chế tài hay các qui định rõ ràng. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về niên hạn sử dụng của các phương tiện tàu cánh ngầm cũng như tốc độ tối đa được phép lưu thông trên hành trình.

Về phía Sở GT-VT TPHCM sẽ có văn bản gửi kiến nghị lên Bộ GTVT quy định niên hạn sử dụng của các tàu cánh ngầm. Nhưng đến nay, vẫn chưa nhận được phản hồi trả lời của Bộ GTVT.

Hiện nay, luồng tuyến Vũng Tàu – TP HCM có mật độ phương tiện thủy lưu thông rất lớn. Đặc biệt, khu vực Vịnh Gành Rái (nơi đi qua của tuyến tàu cánh ngầm) cũng là nơi giao thoa giữa vùng sông và biển. Nơi này lại thường có sóng to gió lớn, nhất là vào mùa mưa bão và có nhiều tàu bè qua lại, nếu xảy ra sự cố và tai nạn thì hậu quả sẽ rất khó lường...

Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy mặc dù đã hoạt động được nhiều năm nhưng đến nay vẫn không hề có phương án bảo đảm an toàn cho hành khách đi tàu. Bên cạnh đó, cho đến nay vẫn chưa có quy định nào về vấn đề an toàn hạ tầng giao thông đường thủy. Trên các luồng lạch đường thủy nội địa, hiện vẫn còn thiếu nhiều những tấm biển cảnh báo nguy hiểm... Một lần nữa, dư luận lại lên tiếng báo động về sự mất an toàn của loại hình dịch vụ giao thông thủy này.

Đã đến lúc các ngành chức năng cần nhìn thẳng vào sự thật để khẩn trương vào cuộc, chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh dịch vụ của các hãng tàu cánh ngầm, nhằm đảm bảo sự an toàn của hành khách, chứ không phải đợi đến thảm họa kinh hoàng như vụ chìm tàu H29-BP ngày 2/8 vừa qua mới chấn chỉnh thì đã quá muộn./.