Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, khẳng định: Hiện Bộ Tài chính chưa có kế hoạch trình Chính phủ về điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

gia_xang_yxwx.jpg
Bộ Tài chính khẳng định chưa có chủ trương tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu (Ảnh minh họa: KT)

Phản hồi này của bà Mai sau khi có nhiều báo dẫn thông tin báo cáo của Bộ Tài chính gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIII, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng ký, cho biết, năm 2016, để đảm bảo cân đối NSNN, một trong những giải pháp đặt ra là tập trung thực hiện tốt công tác thu NSNN, chủ động xử lý tác động do biến động giá dầu thô, quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định.

Cụ thể, tổ chức theo dõi chặt chẽ biến động giá dầu thô thế giới, phân tích đánh giá tác động và xây dựng các phương án, giải pháp đảm bảo cân đối NSNN; không điều chỉnh chính sách làm giảm thu NSNN; lựa chọn thời điểm điều chỉnh phù hợp đối với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi MFN các mặt hàng xăng dầu

Trong đó, điểm khiến báo giới và dư luận đặc biệt quan tâm là Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền tiếp tục điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Những thông tin này khiến dư luận xã hội lo lắng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu có thể sẽ đẩy giá bán lẻ xăng dầu tăng, tăng gánh nặng chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh và chi phí tiêu dùng xăng dầu của người dân.

Thực tế, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu hiện nay đang được quy định tại biểu thuế của luật Thuế bảo vệ môi trường do Quốc hội ban hành với khung quy định đối với xăng (trừ ethanol) từ 1.000 - 4.000 đồng/lít, dầu diezel từ 500 - 2.000 đồng/lít, dầu hỏa và mazut từ 300 - 2.000 đồng/lít.

Trước đó, tháng 5/2015, thuế môi trường đối với mặt hàng xăng dầu đã tăng mạnh 300%, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng/lít với mặt hàng xăng, nhiên liệu bay. Mặt hàng dầu diezel tăng từ 500 đ/lít lên 1.500 đồng/lít; mặt hàng dầu mazut tăng từ 300 đ/lít lên 900 đồng/lít; mặt hàng dầu hoả giữ nguyên mức thuế là 300 đồng/lít.

Theo bà Mai, báo cáo tài chính trung hạn mà các báo dẫn thì trong đó có nêu các giải pháp về về thuế. Tuy nhiên, các giải pháp đó nhằm đề xuất chính sách tổng hợp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển và tăng trưởng kinh tế. Còn chính sách về điều chỉnh, bổ sung cụ thể với từng sắc thuế thì phải trên cơ sở quy định của pháp luật, căn cứ từ thực tiễn và mục tiêu định hướng chung của nền kinh tế./.