Sáng nay (29/4), tại TP Hạ Long, sau 2 ngày làm việc Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 đã bế mạc. Phát biểu tổng kết Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội khẳng định, tại Diễn đàn, các chuyên gia đã đánh giá lại tình hình kinh tế, chính sách vĩ mô của năm 2013 và đưa ra những khuyến nghị chính sách cho năm 2014. Những đánh giá từ Diễn đàn này sẽ là đầu vào quan trọng để Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) có ý kiến đánh giá bổ sung việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013 và triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014.

Kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực

Với trọng tâm chủ đề Diễn đàn là “Động lực phát triển mới từ cải cách thể chế”, các chuyên gia đã phân tích thực trạng nền kinh tế, đề xuất nhiều kiến nghị quan trọng. Trong đó, nổi bật lên một số nhóm vấn đề như: Tình hình nền kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực. Thực tế, GDP có tăng quý sau cao hơn quý trước. CPI kiểm soát tốt, ở mức thấp. Đặc biệt, tình hình DN khó khăn, nhưng duy trì được tốc độ xuất nhập khẩu, quý I xuất  siêu 1 tỷ USD, đây là một kỳ tích, chưa bao giờ có. Thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao. Số DN hoạt động trở lại và đăng ký mới tăng cao.  

bemacddktmx.jpg
Diễn đàn diễn ra tại TP Hạ Long, Quảng Ninh

Môi trường sản xuất kinh doanh bắt đầu có chiều hướng thuận lợi hơn. Biểu hiện là lãi suất đã ở mức thấp, DN tiếp cận mới với nguồn vốn đã thực hưởng lãi suất thấp, mức lãi suất quay về mức cách đây 10 năm.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn về những tồn tại còn hiện hữu trong nền kinh tế - xã hội. Điểm nổi lên bao trùm nhất là tổng cầu vẫn còn suy giảm, tác động đến sức mạnh nền kinh tế, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

“Thực thế đánh giá về tổng cầu suy yếu là có cơ sở, bởi nhìn thực tế thu nhập đời sống dân cư có khó khăn hơn. Về thu nhập của công chức hai năm nay không thay đổi, đây là mảng tác động lớn nhất đến tổng cầu, nên khó tạo ra sức mạnh cho tổng cầu”- ông Giàu nhấn mạnh.

Nhóm vấn đề thứ hai được bàn thảo tại diễn đàn là các khó khăn về thị trường, trong đó có thị trường BĐS với gói 30.000 tỷ đồng vẫn chưa có chính sách phù hợp với thực tiễn, giải ngân còn ít; Dư nợ DN đối với DN khó khăn còn lớn, chưa trả nợ được, một bộ phận tái cơ cấu được, một bộ phân chưa đủ cơ sở tái cơ cấu nên dẫn đến nợ xấu. Xử lý nợ xấu còn chậm, dù xử lý nợ xấu NH đã có giải pháp qua công ty trung gian, rồi tăng trích lập dự phòng rủi ro… là giải pháp mạnh, nhưng chuyển biến thực tế con khiêm tốn.

Tái cơ cấu  nền kinh tế mới hơn 1 năm nay, nhưng mong muốn có tiến bộ rõ ràng, kết quả rõ ràng, nhưng kết quả thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn, trong đó đặc biệt là cơ cấu lại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Nhóm vấn đề thứ ba là, về nợ công, dù trong giới hạn an toàn đã được Quốc hội thông qua, nhưng số tăng nợ còn lớn. Việc chúng ta cân đối ngân sách để trả nợ, đảm bảo cơ cấu chi để thúc đẩy phát triển kinh tế là quan trọng.

Nhóm vấn đề thứ tư là, tình hình nhà nước phát hành trái phiếu lượng lớn, trong đó có tới trên 80% các tổ chức tín dụng mua. Từ đó, vốn vào sản xuất kinh doanh đã chậm lại, vì nó đi vòng xa hơn. Trong khi đó, nếu dòng vốn này dịch chuyển cạnh tranh, nhanh vào sản xuất sẽ làm cho giá bán thấp, khả năng tiếp cận vốn của DN thuận hơn, chi phí đầu vào sản xuất sẽ thấp hơn.

Diễn đàn cũng đề cập đến nhiều vấn đề của xã hội, nổi lên là vấn đề về lao động, việc làm, cải cách sách giáo khoa, chương trình phổ thông, dịch bệnh, thất nghiệp….

Còn về quản lý lãng phí nguồn tài chính, cách phân bổ như thế nào, đây là điểm còn nhiều đại biểu băn khoăn vì có tình trạng phân bổ vốn kiểu “cái cần thì chưa làm, cái làm thì chưa cần”….

Nhiều giải pháp cấp bách, sát thực tế

Ông Nguyễn Văn Giàu đánh giá, nhiều giải pháp đề xuất tại Diễn đàn cho phát triển KT – XH là đúng, sát thực tế. Trong đó, có nhiều đề xuất như: Cần dồn sức xử lý hiệu quả những tồn tại hiện hữu; tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế đi vào chiều sâu, kết quả ở cả 3 lĩnh vực. Đặc biệt là cần quan tâm đúng mức tới tái cơ cấu nền nông nghiệp.  

Đề xuất đánh giá, rà soát lại đầu tư FDI, với tư tưởng rà soát lại để bố trí ưu tiên các ngành nghề thích hợp, chú ý ngành nghề có giá trị gia tăng cao.  

Rồi có kiến nghị xem xét chính sách tỷ giá với mong muốn linh hoạt. Nhưng đây là vấn đề lớn, phải tính toán hài hòa các mục tiêu sẽ thuyết phục hơn, công bằng hơn, không thể chỉ nhằm vào mục tiêu vì một lĩnh vực nào đó.

Với đề xuất tăng cường hỗ trợ DN về thị trường là cấp thiết. Cần tính toán lại tác động toàn diện của giai đoạn hội nhập mới, nhất là đàm phán tự do VN – EU, cộng động kinh tế ASEAN 2015, TPP…

Đặc biệt, có đề xuất tăng cường giám sát trách nhiệm của cơ quan dân cử. Đặc biệt, đề nghị Quốc hội và nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình.  

Về vấn đề cải cách thể chế, nhiều đại biểu thống nhất rằng, cải cách thể chế là ít tốn kém nhất nhưng sẽ tiến hành khó khăn nhất. Bởi cải cách thể chế sẽ phải tiến hành ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành. Cải cách thể chế là vấn đề quan trọng, cần đầu tư cho con người. Bởi cơ chế, thể chế nào thì cần phải có con người đó…/.