Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa công bố Bản tin Kinh tế vĩ mô số 10. Trong đó, Ủy ban đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ khó đạt mục tiêu năm 2014.

Theo dự báo của Ủy ban này, GDP năm nay có thể sẽ tăng 5,71% (biến thiên trong khoảng tin cậy từ cận dưới 5,35% tới cận trên 6,07% với độ tin cậy 80%) và sẽ dần hồi phục lên mức 5,98% trong năm 2015 tính theo giá so sánh năm 2010. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014, đã được Chính phủ công bố từ cuối năm 2013, là sẽ ở mức 5,8%.

kinhvev.jpg
Năm 2014, nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng sẽ đón nhận cơ hội nhiều hơn khó khăn và thách thức.

Ủy ban KTQH đánh giá: Mặc dù các động lực tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam vẫn bị ràng buộc chặt, nhưng đã có một số chuyển biến tích cực không chỉ trong cải thiện tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế mà còn cải thiện cả chất lượng tín dụng và hiệu quả đầu tư.

Nhìn triển vọng chung của nền kinh tế năm nay, Ủy ban này cho biết: nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng sẽ đón nhận cơ hội nhiều hơn khó khăn và thách thức. Đáng lưu ý, sau một thời gian dài biến động giữa bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm kinh tế, nền kinh tế đã trở nên ổn định hơn do kết hợp cả những nỗ lực của Chính phủ và thuận lợi từ phía quốc tế.

Trong khi đó, việc tham gia một loạt các FTA có ý nghĩa quan trọng, trong đó có TPP và FTA với EU, sẽ mang lại nhiều cơ hội tiếp cận thị trường, thu hút vốn đầu tư. Tuy nhiên, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thâm dụng lao động hoặc đầu tư vào từ nhập khẩu hoặc ở khu vực đầu tư FDI, chủ yếu dựa trên lợi thế so sánh tĩnh, trong khi chưa góp phần đáng kể để tạo thành lợi thế so sánh động (dựa vào các yếu tố mang tính chất lượng, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn từ công nghệ, nguồn lao động chất lượng cao hơn…).

Quan trọng hơn, Ủy ban này còn cho rằng, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng tiếp tục tăng thêm áp lực buộc Việt Nam phải tiến hành cải cách sâu rộng hơn nữa. Chính phủ cần chủ động cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh hơn nữa, song song với tư duy chính sách hướng đến phát triển công nghiệp tập trung và gắn với sự tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất khu vực và toàn cầu.

Chính phủ cũng cần nâng cao năng lực hấp thụ tác động lan tỏa tích cực từ các dự án FDI, nhờ thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đến các doanh nghiệp trong nước và nâng cao kỹ năng của người lao động.

Đặc biệt, theo nhận xét của Ủy ban này, “bài học sau 7 năm gia nhập WTO cho thấy, chủ động mở cửa hội nhập chỉ là điều kiện cần; các cơ hội chỉ được hiện thực hóa cho phát triển KT-XH  nếu nước ta tiếp tục duy trì được đà cải cách trong nước với lộ trình phù hợp”./.