Tại hội thảo:“Bảo hiểm hưu trí tự nguyện - cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động” diễn ra sáng 30/7, các đại biểu nhận định: Tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ giúp người lao động đến tuổi nghỉ hưu có nguồn thu nhập ổn định. Đồng thời, giúp cho doanh nghiệp thu hút, giữ chân nhân tài.
Theo thống kê, hiện nay, nước ta có khoảng 2,3 triệu người hết khả năng lao động được hưởng chế độ bảo hiểm hưu trí của bảo hiểm xã hội, 8,6 triệu người chưa có lương hưu, chiếm 79% số người hết tuổi lao động.
Vô hình trung, họ trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm xã hội hiện đang có nguy cơ mất khả năng chi trả vào năm 2023. Chính vì vậy, tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện được đánh giá là "cú hích" trên thị trường bảo hiểm.
Ông Phạm Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện, người lao động sẽ tiết kiệm được chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con, cháu; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận. Người sử dụng lao động khi tham gia loại hình bảo hiểm này sẽ nâng cao tổng lợi ích cho người lao động, góp phần đảm bảo tương lai cho họ để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Ông Phạm Trường Giang nói: “Khi người lao động tham gia lao động cho doanh nghiệp ngoài tham gia hưu trí cơ bản, doanh nghiệp tham gia hưu trí tự nguyện người lao động sẽ cảm nhận tuổi già sẽ được đảm bảo, từ đó thúc đẩy năng suất lao động trong doanh nghiệp. Đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện của doanh nghiệp cũng chính là cách để doanh nghiệp chia sẻ thành quả kinh doanh của mình đối với người lao động”.
Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, nhiều doanh nghiệp dân doanh chưa quan tâm tới loại hình bảo hiểm này. Các hộ tiểu thương, tiểu chủ, chủ trang trại muốn có bảo hiểm nhưng sợ lạm phát nên chưa mặn mà. Trong khi đó, thách thức đặt ra cho các doanh nghiệp bảo hiểm là việc quản lý, cơ chế pháp lý, các quyền lợi giữa doanh nghiệp và người lao động.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Cần có hành lang pháp lý phù hợp; cơ chế bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm. Đồng thời, cũng cần sự hợp tác đặc biệt từ phía người lao động, người sử dụng lao động và cả các bên trung gian cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống khi tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện. “Để phát triển thị trường bảo hiểm hưu trí tự nguyện cần phải có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều đối tác. Đồng thời, tạo khung khổ pháp lý, nâng cao nhận thức của toàn xã hội. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo lợi ích cho người lao động trước mắt và lâu dài. Bản thân người lao động có chính sách chi tiêu hợp lý để tham gia loại hình bảo hiểm này nhằm đảm bảo cho tương lai ổn định”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo dự báo, quá trình già hóa dân số ở Việt Nam sẽ diễn ra nhanh chóng. Chính vì vậy, người lao động cần tiết kiệm chi tiêu để tham gia đóng bảo hiểm nhằm làm “của để dành”, đảm bảo an sinh lâu dài./.