Từ ngày 28/5/2014 đến 12/6/2014, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Geneva, Thụy Sỹ diễn ra Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC 103) với chủ đề thảo luận “Di cư công bằng”. Gần 5.000 đại biểu, đại diện cho các Chính phủ, các tổ chức người lao động và người sử dụng lao động đến từ 185 quốc gia thành viên ILO tham dự. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền dẫn đầu.

bo-truong-1_lanm.jpg 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB & XH Phạm Thị Hải Chuyền dự Hội nghị Lao động Quốc tế lần thứ 103

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có bài phát biểu trong phiên họp toàn thể liên quan tới chủ đề “Di cư công bằng”. Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu bật những thành tựu của Chính phủ Việt Nam và các đối tác ba bên đang triển khai hoàn thiện khuôn khổ luật pháp quốc gia về lao động, việc làm và thúc đẩy việc phê chuẩn các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Cụ thể là, chính thức phê chuẩn Công ước số 186 về Lao động hàng hải và Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động; ban hành Luật Việc làm năm 2013 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2015);  Tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Dạy nghề; và xây dựng các dự thảo Luật về An toàn vệ sinh lao động và Luật Tiền lương tối thiểu.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết như: bảo đảm việc làm và thu nhập cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương; Mở rộng chính sách đảm bảo an sinh xã hội tới khu vực phi chính thức... Đồng thời khẳng định, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực của Tổ chức Lao động Quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Trên tinh thần đó, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động xâm phạm và gây hấn trong vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông hiện nay. 

 

Các hành động đe dọa nghiêm trọng môi trường làm việc an toàn và các hoạt động sinh kế của người lao động Việt Nam trên biển, đi ngược lại các tiêu chuẩn lao động quốc tế và Công ước 186 của ILO về lao động hàng hải. Việt Nam kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế ủng hộ nỗ lực giải quyết tranh chấp tại khu vực này bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Dịp này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động việc làm châu Á-Thái Bình Dương và có bài phát biểu chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và thực hiện các chính sách bảo vệ lao động di cư của Việt Nam. 

Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam cũng đã có các cuộc gặp gỡ với đoàn Bộ Lao động Hoa Kỳ, đoàn Bộ trưởng Kinh tế Thuỵ Sỹ để thúc đẩy hợp tác song phương về lao động giữa hai bên./.