Tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, thời gian gần đây, nhiều thanh niên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình sản xuất rau công nghệ cao. Nhiều mô hình bước đầu mang lại nguồn thu đáng kể. Không chỉ làm giàu cho gia đình, các bạn trẻ còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Năm ngoái, anh Nguyễn Văn Hoàng, ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thuê 6.000 m2 đất ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn để trồng rau thủy canh công nghệ cao. Đây là mô hình trồng rau sạch khép kín, hệ thống tưới tự động điều chỉnh theo nhiệt độ bên ngoài. Sau một thời gian ngắn, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện, vườn rau thủy canh của anh Hoàng có nhiều loại rau: như xà lách, cải, bí đỏ, mướp đắng, mùng tơi…

vov_rau_cn_cao_fowq.jpg
Mô hình trồng rau công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Hoàng mang lại thu nhập cao.

Anh Nguyễn Văn Hoàng cho biết, rau làm ra chủ yếu bán qua kênh trực tuyến và bán cho các nhà hàng, vụ vừa rồi thu nhập gần cả 100 triệu đồng. Mô hình trồng rau hữu cơ bước đầu có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho thanh niên tại địa phương.

"Hiện tại, mình trồng không đủ để bán ra thị trường. Thời gian tới, mong các cơ quan đoàn thể hỗ trợ vốn và đầu ra để phát triển thêm mô hình", anh Hoàng nói.

Cũng như anh Hoàng, mô hình trồng rau công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Y, ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cũng mang lại nguồn thu đáng kể. Chị Y kể, cách đây 2 năm, qua tìm hiểu sách báo, tham quan một số mô hình trồng rau ở Đà Lạt, chị quyết định đầu tư trồng rau thủy canh. Hiện nay, vườn rau công nghệ cao, rộng 1.000 m2 của chị Y có gần 20 loại rau. Trong đó, nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, sản lượng lớn, hiệu quả kinh tế, như: xà lách ôn đới, xà lách mỡ, xà lách lolo tím, xà lách roman... Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, siêu thị nông sản sạch tại thành phố Đà Nẵng, Hội An.

Vườn rau công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Y rộng hơn 1000 m2 với 20 loại rau các loại.

Dịp Tết vừa qua, mỗi ngày chị Y bán ra thị trường từ 1 tạ đến 1,5 tạ rau sạch các loại. 

"Hiệu quả của vườn rau mình đang làm thì hiện tại đầu ra ổn. Ban đầu tôi đầu tư vốn là 900 triệu đồng, tôi thấy doanh thu tương đối ổn. Một ngày tôi có thể thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng. Đầu ra đang cung cấp những nhà hàng ở Hội An, tiêu thụ khá nhiều. Mong các ban ngành tỉnh, có thể hỗ trợ vốn để mở rộng phục vụ được thực phẩm sạch cho người dân ở đây và những vùng lân cận", chị Nguyễn Thi Y chia sẻ.

Mỗi ngày chị Y thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng từ vườn rau.

Hiện, tỉnh Quảng Nam có hàng trăm bạn trẻ làm kinh tế giỏi. Từ nguồn vốn của ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn, gần 16.000 lượt thanh niên được vay hơn 500 tỷ đồng phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Từ đó, đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên khởi nghiệp đạt hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Bí thư Huyện Đoàn Duy Duyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Những mô hình trồng rau công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế, không chỉ làm giàu cho bản thân mà họ còn giúp đỡ cho nhiều thanh niên, người dân địa phương có công ăn việc làm ổn định./.