Chỉ mới bắt đầu trồng năm đầu tiên, nhưng mỗi ngày gia đình bà NguyễnThị Thanh Hòa (khu 4, xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) thu khoảng 3-4 triệu đồng từ bán măng tây xanh-loài cây được mệnh danh "rau Hoàng Đế".

Thực hiện chủ trương của xã Sông Lô, TP Việt Trì, gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (khu 4, xã Sông Lô, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) đã xóa bỏ việc đốt lò gạch thủ công bằng đất sét nung mà gia đình kinh doanh lâu đời, chuyển đổi sang chăn nuôi, trồng rau màu. Ngoài 2 ha trồng chuối xuất khẩu và làm nhà lưới rau an toàn, gia đình bà Hòa còn trồng 1 ha măng tây xanh. Tuy chỉ mới bắt đầu trồng từ khoảng tháng 11.2017, nhưng 1ha măng tây xanh của gia đình bà hiện đã cho thu hoạch 3 đợt và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

mang_tay_4__qsqu.jpg
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (khu 4, xã Sông Lô, TP Việt Trì) bên vườn măng tây xanh.
Trồng măng tây xanh cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hoặc các loại hoa màu. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu không nhỏ, đặc biệt, người trồng phải nắm chắc kỹ thuật vì loại cây này đòi hỏi chăm sóc khá cao mới cho hiệu quả tốt.

Theo bà Hòa, do gia đình bà kinh doanh đốt lò gạch lâu đời nên gần như không có kinh nghiệm về loại cây có nguồn gốc từ bên Tây này. Sau khi xóa bỏ việc đốt lò gạch thủ công, chuyển đổi sang chăn nuôi và trồng rau màu, bà Hòa phải đi khảo sát và học tập kinh nghiệm ở Bắc Ninh, Hòa Bình về quy trình nông nghiệp sạch, kỹ thuật trồng măng tây xanh để phát triển loại rau được mệnh danh là "rau Hoàng Đế" này.

Mỗi ngày, gia đình bà Hòa thu khỏang 3-4 triệu đồng từ 1 ha măng tây xanh này
Đứng giữa 1 ha măng tây xanh ngắt với những đọt măng nhú lên mơn mởn, mập mạp, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu trồng 1ha măng tây xanh này từ cuối năm ngoái. Kỹ thuật trồng măng tây xanh cũng không quá phức tạp, nhưng loài cây này lại khá đỏng đảnh, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cây sinh trưởng và phát triển tốt ở 15-30 độ, nếu mưa nhiều thì chất lượng và sản lượng măng sẽ kém, thậm chí không thu hoạch được...".

Theo bà Hoà, sau khi ươm giống trong bầu khoảng 3 tháng thì mang ra vườn trồng. Trước khi trồng, phải lên luống 30 cm, bón lót bằng phân chuồng hoai mục; mỗi hốc trồng 1 cây, khoảng cách giữa cây với cây 40 - 50 cm, hàng cách hàng 70 - 80 cm; có thể trồng 550 - 700 gốc/sào. Sau khi trồng 6 tháng, cây măng tây xanh có thể cho thu hoạch, và thu từ 8-10 năm mới phải thay gốc, năng suất măng các năm sau sẽ cao hơn năm trước.

Chỉ cho phóng viên thấy những đọt măng tây mơn mởn, bà Hòa cho biết thêm, măng tây là giống cây phát triển nhanh, chỉ qua một đêm có thể dài lên đến 15 cm. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch măng tây xanh cũng rất đặc biệt, khoảng từ 5 giờ sáng, trước khi mặt trời mọc. Nếu qua 2 ngày, những ngọn măng tây xanh sẽ không thể thu hoạch bởi lúc này chúng đã già hóa.

Măng tây xanh sau khi thu hoạch được phân loại và đóng gói, chuyển đi Hà Nội tiêu thụ.
“Với sản lượng khoảng 2-3 kg/sào, hiện gia đình thu hoạch khoảng 70 - 80 kg măng tây/ngày tùy thuộc vào thời tiết. Với giá bán trung bình 100.000 đồng/kg măng loại A, 80.000 đồng/kg măng loại B, 60.000 đồng/kg măng loại C, mỗi ngày gia đình tôi thu được từ 3-4 triệu đồng. Đó là chưa kể năng suất măng sẽ tăng lên theo từng năm, vì thế hiệu quả kinh tế thu được từ giống “rau hoàng đế” này không hề nhỏ, chỉ cần thu hoạch 1 vụ là đã hòa vốn”, bà Hòa nói.

Theo bà Hòa, măng tây xanh sau khi thu hoạch được rửa sạch, hong khô và đóng gói theo quy cách 0,5 kg/ gói. Toàn bộ số măng tây của gia đình bà do công ty TNHH Nông sản Dũng Hà (Hà Nội) bao tiêu. Ngoài ra, gia đình bà cũng đã làm thủ tục đăng ký tem truy xuất nguồn gốc.

“Măng tây xanh là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên bởi kinh nghiệm chăm sóc còn hạn chế, cây chỉ mới gần 1 tuổi nên vẫn thường xuyên mắc bệnh khi thời tiết không ủng hộ”, bà Hòa chia sẻ./.