Từ tờ mờ sáng, hàng nghìn người đổ về  làng Mọc-Quan Nhân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội dự phiên chợ 27 Tết truyền thống. Phố Quan Nhân và đường dẫn vào đình Quan Nhân trở nên tấp nập và nhộp nhịp người mua, kẻ bán, trở thành một phiên chợ đông đúc, rực rỡ sắc màu của hoa, bóng bay và đồ trang sức cùng nhiều đồ chơi dân gian lẫn hiện đại… Đây là phiên chợ Tết được người làng Mọc duy trì hàng trăm năm nay.

cho_phien_ycjh.jpgPhiên chợ 27 thu hút hàng nghìn người tham gia.

Dọc con phố Quan Nhân dẫn vào đình làng Quan Nhân, hàng nghìn người, đa số là thanh niên và trẻ nhỏ nô nức mua sắm quà Tết. Từng tốp thanh niên, học sinh trong làng và các vùng xung quanh cũng đổ về đây chung vui. Những em nhỏ xúng xính trong bộ quần áo đẹp nhất, được ông bà, bố mẹ dắt tay đi chơi chợ tết. Hàng hóa được bán ở phiên chợ này chủ yếu là các loại cây, hoa, quả, bóng bay, đồ chơi, đồ trang sức, tò he… và rất nhiều quầy hàng bán đồ ăn. Các em nhỏ thì háo hức với những chùm bóng xanh đỏ, đồ chơi, đồ trang trí, còn các bạn thanh niên mua sắm đồ lưu niệm, thưởng thức các loại đồ ăn như bánh dày, bánh rán, nộm bò khô, bún, phở...

Phiên chợ cũng là dịp để mọi người mua hoa, quả, bầy mâm ngũ quả ngày Tết của gia đình
Nhiều em nhỏ tò mò đứng xem các nghệ nhân nặn tò he với vẻ mặt rất thích thú. Những viên bột màu, qua bàn tay người nặn tò he bỗng chốc trở thành nhiều hình thù ngộ nghĩnh như siêu nhân, Tôn Ngộ Không, hay các nhân vật hoạt hình mà các em nhỏ yêu thích. Cháu Nguyễn Trung Anh, 10 tuổi, vui vẻ nói: “Gần đến ngày con thấy nôn nao, ngày nào con cũng mong đến chợ 27, mãi hôm nay mới đến ngày họp chợ. Con vui lắm, con thấy hàng hóa phong phú, con thích các trò chơi dân gian, trò chơi ném bóng… Tất cả các loại đồ bán ở đây, con thích tò he nhất vì đây là một loại đồ chơi rất độc đáo và là nét cổ xưa của dân tộc”.
Các em nhỏ tò mò và thích thú với tò he.

Bà Hoàng Ngọc Oanh, ở Quan Nhân cho biết, các cháu bà đều ở xa nên ngay từ tối 26 Tết, các cháu đã đòi bố mẹ cho về ngủ với ông bà để sáng sớm hôm sau đi chợ Tết: “Từ tối hôm trước các cháu đã háo hức rồi, cả đêm không ngủ được, sáng hôm sau dậy đi sớm. Các ông, các bà, bố, mẹ cho các cháu tiền để các cháu đi chợ mua đồ chơi, mua đồ ăn, bóng bay…Tôi cho các cháu ra để các cháu nhớ phong tục chợ quê. Năm nào cũng tổ chức phiên chợ này. Năm nay đường làng khang trang, sạch sẽ, đông vui, lượng người tham gia càng ngày càng đông”.

Càng đến cuối phiên, chợ càng đông. Mặc dù đã cấm xe nhưng cả con phố vẫn  chật cứng người. Không chỉ những người dân trong làng tham gia mua, bán mà rất nhiều người ở các địa phương lân cận cũng tới đây kinh doanh. Anh Nguyễn Xuân Cao, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, làm nghề nặn tò he biết đến phiên chợ này hơn 20 năm nay và năm nào đến ngày này, anh cũng tới đây bán tò he cho các em nhỏ: “Chợ này bây giờ đông hơn ngày xưa nhưng bán được ít hơn. Bây giờ nhiều mặt hàng quá nên các cháu chơi cái nọ thì bỏ cái kia. Ngày xưa làm không kịp nhưng bây giờ thì cũng bình thường”.

Phiên chợ thu hút nhiều trẻ em

Theo ông Ngô Văn Thân, 85 tuổi, Trưởng ban quản lý di tích đình làng Quan Nhân, Chợ 27  xưa kia là nơi tụ họp của 7 làng lân cận. Đây là dịp để cho bà con vốn quanh năm chỉ biết cấy cày được mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày Tết. Giờ đây, chợ đã khác nhiều. Trải quả năm tháng, nhiều loại đồ chơi dân gian được thay thế bằng các loại đồ chơi hiện đại. Người lớn coi đây là buổi đi chơi Tết, mua vài thứ lấy lộc, còn chủ yếu là để trẻ em đi chơi và nhớ đến truyền thống của làng quê.

“Chợ 27 là chợ truyền thống của làng Mọc. Ngày xưa bà con cứ mang cả một quang gánh là có thể mua gạo nếp, lá dong, cá, đậu, thịt về là xong một cái Tết. Trải qua năm tháng, chợ 27 chủ yếu phục vụ các cháu nhỏ. Cái vui của chợ 27 là như vậy nên chúng tôi phải cố gắng duy trì”- Ông Ngô Văn Thân nói.

Chợ 27 chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng  3-4 tiếng  nhưng đã đem đến cho cả làng một không khí Tết sôi động và ấm tình làng quê./.