vov_1_ppdg.jpg
Sau thời gian bị sập vào năm 2015, dự án trùng tu Phu Văn Lâu trị giá 12 tỷ được Trung Tâm Bảo Tồn di tích tiến hành một cách khẩn trương và nghiêm túc. 
Được xây dựng từ thời vua Gia Long, Phu Văn Lâu tọa lạc vị trí đặc biệt quan trọng trên trục dũng đạo của Kinh thành. 

Như ý nghĩa của tên gọi Phu Văn Lâu, đây là nơi niêm yết những chiếu thư, chỉ dụ quan trọng của Hoàng đế và triều đình nhà Nguyễn, nơi công bố kết quả các kỳ thi do triều đình tổ chức.

Dưới thời các vua Minh Mạng (1820-1841), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883), Khải Định (1916-1925), Phu Văn Lâu đều được lựa chọn là nơi tổ chức các cuộc vui chơi, yến tiệc trong dịp lễ vạn thọ của nhà Vua. 

Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, những thay đổi của Phu Văn Lâu thông qua hoạt động trùng tu dưới triều Nguyễn được sử sách ghi chép và được xác minh cụ thể bằng các nguồn tư liệu tin cậy mới được xem là một giai đoạn có giá trị lịch sử văn hoá của di tích được nghiên cứu phục hồi. 

Theo đó, phương án phục hồi Phu Văn Lâu được xác lập là tái tạo hình ảnh công trình dưới thời vua Khải Định (1922) - thời kỳ gần nhất với hiện tại và là thời kỳ mà hình ảnh tư liệu Phu Văn Lâu còn được ghi lại nhiều nhất.
 Một chi tiết khác, dưới thời vua Minh Mạng, triều đình cho dựng ở hai bên Phu Văn Lâu hai tấm bia đá khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã”, nghĩa là ai đi qua đều phải cởi mũ và xuống ngựa.
Nhiều năm trước, 2 tấm bia đá trên đã bị xô đổ. Trong đợt trùng tu này, hai bia đá “khuynh cái hạ mã” ở 2 bên lầu cũng được phục hồi, như lời nhắc nhở tất cả mọi người đi ngang qua Phu Văn Lâu “nghiêng nón xuống ngựa” để tỏ lòng kính cẩn. 
Ngày nay, Phu Văn Lâu trở thành địa điểm thường xuyên diễn ra các buổi sinh hoạt cộng đồng vào những dịp lễ hội.