Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại tỉnh Đắk Nông, sáng 15/1, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) tổ chức chương trình Hội thảo với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”.

hoi_thao_tho_cam_3__vov_qmhi.jpg
Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam”.

Trang phục thổ cẩm là nét đẹp văn hóa vật thể ở mỗi vùng, mỗi dân tộc. Những sản phẩm thổ cẩm đều thể hiện bàn tay tài hoa, chăm chỉ của những người phụ nữ trong cộng đồng các dân tộc Việt nam. Thổ cẩm không chỉ có mặt trong đời sống hàng ngày, trong sản xuất, làm vật mua bán trao đổi của phương thức sản xuất tự cung, tự cấp, mà còn không thể thiếu trong các lễ cưới hỏi, lễ hội.

Phát biểu tại Hội thảo “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam” Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam nhận định, hiện nay văn hóa thổ cẩm của đồng bào các dân tộc nói chung đang mai một trong cuộc sống hàng ngày. Để bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm thì phải bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống trong chính cộng đồng của các dân tộc.

Trang phục thổ cẩm được trình diễn trong đêm khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tối 14/1. 
Muốn duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống thì không chỉ chú trọng việc dạy nghề bằng phương pháp thủ công mà cần phải kết hợp song song giữa thủ công và công nghiệp, đồng thời chú trọng tới việc tìm ra nguồn nguyên liệu mới, giá cả phải chăng, thiết kế cải tiến mẫu mã trang phục hoặc làm thành nhiều vật dụng tiêu dùng khác. Bà Linh Nga cho rằng phải tiến hành cải tiến khung dệt thủ công cho khổ vải rộng hơn, tốc độ dệt nhanh hơn, sử dụng chỉ nguyên liệu mỏng cho thành phần mềm, mịn hơn thì mới mong thổ cẩm trở lại được với đời sống buôn làng.

“Nếu mất đi trang phục thổ cẩm, mất đi hoa văn thổ cẩm thì cũng mất đi văn hóa tộc người” – nhà nghiên cứu Linh Nga nhấn mạnh. “Do đó, việc làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn, phát huy ngay chính cộng đồng là điều quan trọng nhất, sau đó mới để giới thiệu tới bạn bè. Theo tôi có thể phát động, vận động học sinh tiểu học, trung học cơ sở ở các vùng dân tộc một tuần có từ một đến hai lần mặc trang phục dân tộc đi học. Vận động mỗi gia đình mỗi thành viên có mỗi bộ trang phục truyền thống, bởi đó là di sản văn hóa đại diện cho nhân loại”.

Nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdam phát biểu tại hội thảo.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Văn Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, thổ cẩm là loại vải dệt thủ công thể hiện giá trị văn hóa, bẳn sắc của một tộc người. Thông qua đặc trưng của thổ cẩm trên trang phục các dân tộc, chúng ta nhận diện được sắc thái tộc người, sự giao lưu tiếp biến văn hóa giữa các tộc người cộng cư với nhau.

Thổ cẩm không chỉ đơn thuần là trang phục mà còn được dùng nhiều trong sinh hoạt truyền thống, làm kỷ vật trong hôn nhân, tang lễ. Nhìn vào hoa văn thổ cẩm, chúng ta có thể nhận biết được quan niệm về thế giới quan, vũ trụ quan của tộc người đó. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay với sự phát triển của  khoa học kỹ thuật đã làm ảnh hưởng đến lối sống của người dân. Những bộ đồ thổ cẩm truyền thống đã được thay đổi bằng những trang phục hiện đại.

Các nghệ nhân dệt ngày càng ít đi, thế hệ trẻ chưa mặn mà với nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm làm ra tốn thời gian và không có thị trường tiêu thụ làm cho các nghệ nhân không còn tha thiết với nghề khiến cho sản phẩm thổ cẩm ngày càng đơn điệu.

Các nghệ nhân người Mnông mặc trang phục của dân tộc mình tại hội thảo.

“Trước những thách thức đó, nguy cơ mai một ngày càng rõ nét” - Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Văn Sơn nhận định. “Điều này có thể làm mất đi một phần bản sắc văn hóa truyền thống, mất đi tính đặc trưng của văn hóa tộc người. Do đó cần có những nghiên cứu mang tính tổng thể, hệ thống để bảo tồn phát huy văn hóa thổ cẩm tiêu biểu này. nhằm tiếp tục giữ vững bản sắc tộc người và từng bước tạo nên biểu tượng văn hóa của cộng đồng”.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, lần đầu tiên Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam được tổ chức, đây là cơ hội để Đắk Nông giới thiệu quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Cũng là dịp để tỉnh Đắk Nông có những phương án bảo tồn và phát triển văn hóa thổ cẩm của các dân tộc trong tỉnh.

“Chúng tôi hi vọng rằng với những bài nghiên cứu khoa học với những thực tiễn và đam mê đối với nền văn hóa dân tộc gắn với thổ cẩm” - Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết. “Gắn với văn hóa sự phát triển đó, các nhà nghiên cứu giúp cho chúng tôi có nhiều thông tin, kiến thức cũng như định hướng, chỉ đạo giúp cho chúng tôi có những bước đi trong tương lai sẽ làm thế nào để duy trì, bảo tồn và phát triển thổ cẩm, nét đẹp của hoa văn thổ cẩm. Đặc biệt đối với Đắk Nông với 40 dân tộc anh em thì sự đa dạng đó, chúng tôi mong muốn làm thế nào để gìn giữ hòa hợp các dân tộc để có giá trị bền vững trong tương lại.”

Hội thảo “Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam” được tổ chức trong dịp Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất một lần nữa đánh giá đúng tầm quan trọng của sản phẩm thổ cẩm trong đời sống,  đồng thời qua đó tiếp tục có những giải pháp nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đến với bạn bè trong nước và thế giới./.