Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mà còn để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với du khách, bởi những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, trong đó phải kể đến nghề dệt thổ cẩm.

det_tho_cam_gmpk.jpg
Nghề dệt thổ cẩm giúp nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc ở Mộc Châu, Sơn La.

Hiện các sản phẩm thổ cẩm: Khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa... do các nghệ dân người dân tộc Thái ở đây làm ra với mẫu mã đa dạng, hoa văn tinh tế đang từng bước tạo được thương hiệu riêng và đón nhận tình cảm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Với tình yêu với nghề dệt thổ cẩm, cùng mong muốn lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc Thái, hàng chục năm qua, bà Lường Thị Sen, ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã tận tình truyền nghề cho lớp trẻ trong bản. Hàng ngày bà còn nhiệt tình hướng dẫn du khách đến với Mộc Châu để họ có được những trải nghiệm thú vị nhất bên khung cửi, cùng với con thoi và các công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm.

“Xưa mình trồng cây bông, song bật thành cái rễ, rồi cuộn lại ấy, rồi mình mới kéo, nhuộm cái nước gạo ấy, xong phơi khô rồi mới nhuộm lá tím, lá xanh này, lá đỏ. Không có lá đỏ ngày xưa mình phải lấy cái màu  nâu nâu ấy, mìnhlấy cây ban, lấy cá vốn để đun lấy nước nhuộm”, bà Sen cho hay.

Ở xã Đông Sang, hàng chục khung cửi dệt thổ cẩm đang được Chi hội phụ nữ bản duy trì. Nhiều chị em đã tham gia cùng học và mong muốn lưu giữ, phát triển những tinh hoa văn hóa của dân tộc mình.

Sản phẩm khăn quàng, túi, ga trải giường, gối, đệm làm ra được trưng bày và bán cho khách du lịch, đồng thời cũng được sử dụng ngay trong các nhà nghỉ cộng đồng để phục vụ du khách. Việc làm này đã mang lại thu nhập cho mỗi chị trung bình hơn 4 triệu đồng/ tháng và đã trở thành loại hình du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Em Đào Yến Nhi, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn, Hà Nội nói, “Em nghĩ việc dệt vải rất thú vị, tạo nên bản sắc riêng của đồng bào Thái. Được dệt sợi vải từ thiên nhiên, từ cây bông em rất vui khi được làm việc này”.

Đều đặn hằng ngày, sau khi kết thúc việc đồng áng, chị em học nghề lại tập trung tại Nhà văn hóa cộng đồng để cùng học hỏi những kỹ thuật thêu, dệt, những công thức để có thể nhuộm được một tấm vải có màu sắc đẹp và bền.

Bà Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Mộc Châu cho biết, để khuyến khích người dân duy trì nghề truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, huyện Mộc Châu đã có những hỗ trợ cụ thể.

 “Mỗi hộ sẽ được hỗ trợ 1 khoản tiền để họ sửa khung dệt của họ, tủ bày bán sản phẩm. Ngoài ra cứ 7 hộ liên kết với nhau thành 1 hợp tác xã thì sẽ được hỗ trợ 7 triệu đồng", bà Hường nói.

Nghề dệt thổ cẩm ở Mộc Châu không chỉ được bảo tồn, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà giờ còn là “Nghề” giúp người dân phát triển kinh tế, tạo ra thật nhiều sản phẩm để giới thiệu với du khách thập phương./.