Các loại lồng đèn truyền thống ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều này đã tiếp thêm động lực cho những người gắn bó cả đời mình với món đồ chơi dân gian này…

37764bcff4e2351c2ee14489c489b77b_rsbr.jpg

Lồng đèn giấy kiếng truyền thống thu hút nhiều khách hàng trong mùa Trung thu năm nay.

Chỉ còn mươi ngày nữa là đến Tết Trung thu. Thời gian này, nhiều khu phố ở TP Hồ Chí Minh tràn ngập những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc mầu. Tại các khu phố bán lồng đèn như Lương Nhữ Học (quận 5) hay khu chợ sỉ sầm uất Bình Tây (quận 6), mặt hàng này luôn tấp nập người mua, kẻ bán.

Phân vân lựa chọn một chiếc lồng đèn ưng ý cho con của mình, chị Trịnh Huyền Trân (nhân viên văn phòng ở quận 3) chia sẻ: “Năm nay, các loại lồng đèn truyền thống mẫu mã rất đa dạng, từ hình bươm bướm, thỏ hồng, tàu thủy đến cả hình nước Việt Nam, cô gái đội nón lá… Giá cả rất cạnh tranh, chỉ từ 20.000 đồng đến 30.000 đồng/chiếc, rẻ hơn rất nhiều các loại lồng đèn nhựa, đèn giấy gắn pin. Cho trẻ chơi lồng đèn giấy kiếng, tôi vừa giúp con hiểu về trò chơi truyền thống, vừa tạo cho trẻ tinh thần tương thân tương ái, bởi muốn đèn sáng thì các bé phải biết che gió cho nhau, chia lửa cho bạn nếu nến bị tắt. Không như lồng đèn điện tử, mạnh ai nấy chơi”.

Khảo sát tại nhiều chợ, điểm bán hàng tại TP Hồ Chí Minh được biết, hai năm qua, nhiều nơi không nhập lồng đèn Trung Quốc. Một vài sạp còn sót lại lồng đèn Trung Quốc từ những mùa Trung thu trước, nay cũng không chưng hàng vì từ đầu mùa tới giờ chưa thấy khách hàng nào nhắc đến. Ngay cả một số công ty kinh doanh đồ chơi trẻ em hằng năm nhập khẩu cả triệu chiếc lồng đèn Trung Quốc, bỏ hàng mối cho các chợ lớn trên địa bàn thành phố, năm nay cũng không nhập hàng nữa. Bà Nguyễn Thị Hồng (tiểu thương chợ Bến Thành, quận 1) hồ hởi: “Nắm bắt thị trường, ngay từ đầu mùa tôi đã tìm đến các cơ sở làm lồng đèn truyền thống để đặt hàng hơn 1.000 sản phẩm. Năm ngoái, lồng đèn chạy pin ít người tiêu dùng ngó tới. Còn lồng đèn của mình lại rất an toàn sức khỏe, cho nên phụ huynh tin tưởng. Hơn hai tuần nay, lồng đèn dán giấy kiếng rất chạy, khách mua đèn còn được khuyến mãi nến. Dự kiến, ba ngày trước Trung thu sẽ còn bán chạy hơn”.

TÌM về làng làm lồng đèn Phú Bình ở phường 5, quận 11 và ở phường Phú Trung, quận Tân Phú, chúng tôi nhận thấy các hộ làm lồng đèn đang hối hả làm việc để kịp giao hàng. Gia đình chị Lê Thị Thắm ở giáo xứ Phú Bình, đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 11 có ba đời gắn bó với nghề làm lồng đèn bóng kiếng. Tiếp chuyện chúng tôi nhưng đôi tay chị vẫn thoăn thoắt tạo ra một chú thỏ hồng xinh xắn, chị trải lòng: “Mùa Trung thu năm nay có sự khởi sắc so với mấy năm trước. Tính đến giờ, tôi đã bán được hơn 2.000 chiếc lồng đèn. Hồi đầu mùa, một số đại lý tại chợ Bình Tây không dám lấy hàng nhiều vì sợ không bán được, nhưng khi thấy hàng bán chạy, họ đến hỏi thêm thì tôi không còn nữa, làm thêm cũng không kịp”.

Theo những người làm nghề lồng đèn, có ít nhất 10 công đoạn mới hoàn thiện được một “con đèn”, khâu nào cũng phải bỏ công sức và tình cảm vào đó. Chẳng hạn, khi chọn tre cũng không được chọn cây quá già hay quá non. Tre già thì sẽ cứng không uốn được, tre non thì mềm quá không tạo dáng được. Chỉ một loại đèn bươm bướm cần chuẩn bị năm loại nan khác nhau để tạo dáng: Nan làm thân, nan làm cánh lớn, nan làm cánh nhỏ, nan làm râu… Khi uốn nan cũng phải làm thật đều tay cho chiếc nan được dẻo đều để tạo dáng đẹp cho từng chi tiết trên chiếc đèn… Bên cạnh việc làm đẹp, người trong nghề còn phải nhạy bén, tức thời. “Năm nay thịnh hành trò chơi Pokemon Go, vì vậy tôi tạo dáng rất nhiều Pokemon khác nhau, rồi mèo Kitty, Doremon… gắn thêm lông để thu hút người mua”, chị Thắm nói.

Ông Nguyễn Mạnh Tùng, một nghệ nhân với thâm niên hơn 30 năm trong nghề làm lồng đèn cho biết, dịp cận Tết Trung thu khoảng ba năm trước, tình hình kinh doanh rất èo uột khi đơn hàng mỗi ngày không quá 100 chiếc. Nhưng năm nay ông phải huy động cả gia đình, mỗi người phụ trách một công đoạn để sản xuất kịp nhiều đơn hàng với số lượng lớn. Trung bình mỗi chiếc lồng đèn phân phối sỉ có giá dao động khoảng 14.000 đồng. Lồng đèn ngôi sao kích thước lớn từ 0,8 m đến 1,5 m có giá hơn 120.000 đồng mỗi chiếc. Con trai ông Tùng là Nguyễn Hữu Phúc (học sinh Trường THPT Phú Lâm), mới 17 tuổi nhưng đã có sáu năm kinh nghiệm vẽ mầu lồng đèn. Phúc tâm sự, năm nào em cũng làm công việc này, ngoài phụ giúp gia đình thì một phần mong muốn lưu giữ nét đẹp truyền thống.

Gia đình chị Hồ Thị Thảo ở đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú cũng tất bật thuê thêm nhân công làm ngày làm đêm để kịp đơn hàng. Khách hàng ưa chuộng sản phẩm của chị Thảo nhờ nét vẽ và kiểu dáng sắc sảo. Mỗi mùa Trung thu, nhà chị làm ra trên dưới 15.000 lồng đèn. Đơn hàng năm nay có thêm các tỉnh Hải Dương, Đồng Nai, Bình Phước… khiến chị thêm phấn khởi. “Lúc thấy nhiều người bỏ nghề, mình cũng nản, nhưng lại thấy tiếc nghề của ông bà cho nên cố gắng. Tuy nhiên, hàng chỉ bán được mỗi mùa Trung thu, vì thế người làm nghề muốn gắn bó lâu dài chủ yếu là do lòng yêu thích, muốn giữ lấy nghề truyền thống. Mùa cao điểm, người thợ thu nhập hơn 300.000 đồng/ngày”, chị Thảo bộc bạch.

Nghề làm lồng đèn giấy kiếng trong nước những năm gần đây khởi sắc, tuy nhiên việc tiêu thụ sản phẩm vẫn mỗi hộ tự thân là chủ yếu. Họ bán hàng được là do khách hàng truyền tai nhau chứ chưa có kênh kết nối, phân phối, giới thiệu sản phẩm nào. Điều mà những nghệ nhân tâm huyết của nghề làm lồng đèn giấy kiếng lúc nào cũng đau đáu là mong chính quyền địa phương có phương cách bảo tồn, gìn giữ một ngành nghề truyền thống…/.