Trong thời gian tới, các nhà chuyên môn, khảo cổ của Viện Khảo cổ học sẽ tiếp tục chỉnh lý hiện vật thu thập được để tiếp tục nghiên cứu và sẽ có báo cáo kết quả, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng bảo tồn, nghiên cứu tiếp theo.
Cả 5 hố đào, trong đó ở chùa Vạn Phước 2 hố, nhà ông Nguyễn Hữu Oánh 1 hố, nhà Lê Thị Rô (ông Trọng) nay là Nguyễn Thị Oanh (số 13/120 Điện Biên Phủ) 1 hố và chùa Thiền Lâm 1 hố, đều đã được đào đến tầng sinh thổ (tầng đất chưa có sự tác động của con người). Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, những hiện vật thu được trong quá trình mở các hố thăm dò gồm đồng, sắt, gốm, sành, sứ... thể hiện được sự liên quan của con người ở các giai đoạn khác nhau.
khaoco_nfun_hklp.jpg
Lớp đá được phát hiện ở hố đào nhà 13/120 Điện Biên Phủ, TP.Huế (Ảnh: B.N.L).
Những di vật này sẽ được các chuyên gia nghiên cứu làm sạch, chỉnh lý, phân tích mẫu, so sánh đối chiếu khi đó mới tạm xét ở giai đoạn nào. Bên cạnh đó, cũng vẽ lại toàn bộ tư liệu hiện trường từ mặt bằng, hạ tầng, di tích, di vật để phục vụ việc tiếp tục nghiên cứu sau này.
“Chúng tôi sẽ xử lý theo tinh thần khảo cổ, chuyên môn của ngành. Những lớp đá xếp tầng ở hố số 5 đến thời điểm này được xem là một nền đá, chưa thể kết luận được gì. Sau 3 tháng hoàn tất các công việc như đã nói trên, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí và nhân dân”, ông Liêm nói.
Trước đó, từ ngày 7/10, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đã tiến hành mở hố đào thăm dò khảo cổ học khu vực gò Dương Xuân, P.Trường An, TP.Huế, nơi nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng từng tồn tại cung điện Đan Dương của nhà Tây Sơn và đồng thời lăng mộ vua Quang Trung được táng ở đây./.