Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Nội đã nhận diện 98 di sản cần ưu tiên bảo vệ và gần 10 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.

ruoc_le_lo_bao_dinh_ca_1_the_duong_cpv_elpv_mbzl.jpg

Các di sản văn hóa phi vật thể ưu tiên bảo vệ khẩn cấp của thủ đô Hà Nội gồm tiếng lóng ở làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên); hát trống quân ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín); hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ); hát trống quân ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên); trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên); nghề thêu ren ở xã Bình Minh (huyện Thanh Oai). 

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, đây là các di sản văn hóa phi vật thể không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền và không còn không gian, điều kiện thực hành. Do vậy, những di sản này chắc chắn sẽ bị mất đi nếu không được bảo vệ khẩn cấp. Hiện nay, Sở đang phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa thực hiện một số đề án bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ông Trương Minh Tiến cho biết: 

"Từ năm ngoái đến nay, chúng tôi đã làm được một số hồ sơ để trình Bộ Văn hóa đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia  như: Lễ hội Bình Đà, kéo co Long Biên và một số bộ hồ sơ về Lễ hội đền Và, Hội đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng. Năm nay, kết thúc xong chúng tôi sẽ có một đánh giá tổng quan chung và từ đó đưa vào trong lộ trình để quản lý bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố" - ông Trương Minh Tiến cho biết thêm./.