Như một nhận thức chung, đình làng là “nhà thờ chung của cả cộng đồng, là trụ sở chính của chính quyền làng xã, là nơi giải quyết mọi công việc liên quan đến các thành viên trong làng”. Đình làng có sau chùa làng, (đình được sử sách chép bắt đầu vào khoảng thế kỷ 16). Cùng với các công trình kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo khác trong làng, đình làng đã đảm nhận vai trò trung tâm văn hóa của làng xã.

Theo PGS.TS Chu Quang Trứ, trong số những đình làng sớm nhất còn lại, đình làng Thụy Phiêu (Hà Tây cũ) ghi rõ dựng năm Đại Chính 1 (1531), đình Lỗ Hạnh (Bắc Giang) ghi dựng năm Bính Tý đời Sùng Khang 1576 và đình Là (Hà Tây cũ) cũng ghi dựng năm Diên Thành 5 (1582).

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, bao triều đại thay đổi, bao lần đình cải ngói nhưng đình có tính bất di bất dịch, không thay đổi, tồn tại và đồng hành cùng đời sống của người Việt. Đình là nơi người Việt chia sẻ, gửi gắm tình cảm, là nơi nam nữ hò hẹn, tình tự. “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói em thương mình bấy nhiêu”. Nếu như chùa là nơi người ta đến để sám hối, tụng kinh niệm Phật, bình tâm và giác ngộ thì đình làng lại là nơi để người ta đến vui chơi, giải trí hội họp, ăn uống. Điều đó thể hiện tính “dân dã” và “công cộng” của đình làng.

de_eyhw.jpg
Đình làng xứ Đoài thường để ngỏ 4 bề và dân làng bất cứ lúc nào cũng có thể vào đình. (Ảnh tư liệu từ triển lãm Đình làng xứ Đoài)

Thời Lê sơ, chính quyền trung ương tập quyền đề cao Nho giáo, đã hạn chế xây mới chùa chiền mà cho mở mang đình, miếu. Sự xuất hiện của những ngôi đình ít nhiều phản ánh cuộc sống của người dân ở nông thôn trong mối quan hệ làng xã và mối quan hệ của chính quyền địa phương với người dân.

Chính vì mang chức năng là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã nên đình làng chỉ có cổng tam quan chứ không có tường rào vây quanh. Tất cả mọi người dân trong làng đều bình đẳng như nhau trong việc sử dụng không gian sân đình. Những năm qua, nhiều ngôi đình còn lại đã bị xây tường rào vừa cao, vừa kín chạy quanh sân đình làm cho ngôi đình từ đại chúng thân thiện trở nên cô đơn và chênh vênh đơn lẻ. Nhiều ngôi đình còn làm cổng sắt to, cao, khóa chặt kiểu “kín cổng cao tường”, khiến cho không gian sân đình truyền thống bị ngăn cách.

Dễ nhận thấy khi chúng ta đến các ngôi đình lớn trong thành phố, thị xã và tại các miền quê được công nhận di sản cấp tỉnh, cấp quốc gia. Có nhiều cách hiểu để “thông cảm” với địa phương và Ban quản lý di tích về việc xây tường làm cổng đó trong bối cảnh ngày càng nhiều vụ trộm cắp di vật thờ cúng trong đình, chùa cũng như chuyện xâm lấn diện tích các công trình tâm linh, di sản văn hóa hiện nay.

Thành hoàng thờ cúng trong hậu cung của đình không chỉ mang ý nghĩa giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà tín ngưỡng này đã khởi đầu cho các hoạt động Lễ-Hội của làng vào ngày giỗ (kị) của Thành hoàng. Suy từ căn nguyên lễ hội đó của làng mà chúng ta lý giải được tại sao ngày nay cuộc sống càng phát triển, người dân càng muốn trở về tham gia đóng góp cho địa phương tu bổ đình làng, tổ chức lễ hội hoành tráng và bài bản.

Thưởng thức các điệu hát xoan của nhân dân làng Xốm tại đình Hùng Lô, Phú Thọ. (Ảnh: Hiếu Trần)

Trong tâm thức của người dân địa phương, có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Làm ăn phát đạt, thịnh vượng, đề huề cũng một phần nhờ Thành hoàng đã che chở, phù hộ độ trì. Do đó, ngày Lễ hội của làng tổ chức trên sân đình là dịp để tụ tập về cùng với chính quyền địa phương tổ chức thật chu đáo và làm lễ tại dâng lên thành hoàng, vừa để báo công, vừa để tri ân, tạ ơn phù trì.

Lễ hội đình là nét thể hiện tinh thần đoàn kết và sự đoàn tụ của người dân địa phương. Đối với người dân sinh sống ở thành phố, điều này càng thể hiện rõ. Ví dụ như với các hộ gia đình kinh doanh có cửa hàng trên phố. Nếu như trong cuộc sống hằng ngày, mỗi khi tắc đường vì lý do nào đó khiến công việc kinh doanh ảnh hưởng, tất nhiên họ khó chịu và bực bội vô cùng. Nhưng, nếu hôm đó đình (xưa kia là đình làng, khi làng lên phố thì nhiều nơi vẫn quen gọi đình làng) có lễ hội thì dẫu có tắc nghẽn đường cả ngày cũng không ai thấy buồn bực, khó chịu mà ngược lại rất vui vẻ.

Người viết bài này chứng kiến lễ hội đình làng Mọc cổ xưa, nay gồm 5 làng: giáp Nhất, Chính Kin, Cự Lộ, Quan Nhân, Phùng Khoang thuộc thành phố Hà Nội vào dịp đầu tháng 2 âm lịch. Hội làng tổ chức rước Thánh du xuân từ đình làng này sang đình làng khác, cách nhau gần chục cây số. Giữa phố phường Hà Nội chật hẹp đó, việc rước Thánh diễn ra linh đình và nhiều người dân tham gia, chật cứng đường nhưng ai nấy đều phấn khởi. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, đến với hội đình, tham gia các chương trình của lễ hội mới chỉ là nét biểu hiện bên ngoài của người dân. Mọi thành kính, động lực chính là ở bên trong thâm thức của họ: Trước mặt họ là Thành hoàng. Bằng sự thành kính trước ngai thờ Thành hoàng, người ta sẵn sàng làm điều tốt đẹp nhất để lễ hội đình được trọn vẹn, thành công nhất.

Trong khoảng thời gian năm, mười năm lại đây, đã có biểu hiện một số đình làng được trùng tu nhưng không đạt yêu cầu. Quá trình đó đã ít nhiều phá hỏng diện mạo, kết cấu của những ngôi đình cổ có giá trị cao về lịch sử - văn hóa, kiến trúc - mĩ thuật. Một thực tế rằng, đình có thể bị làm biến dạng (thậm chí biến mất), nhưng thế ứng xử của người dân với đình, lễ hội đình vẫn không thay đổi. Tình cảm người dân dành cho đình vẫn trọn vẹn như hàng trăm năm qua. Bao thế hệ người Việt vẫn một lòng “Qua đình ngả nón trông đình”. Một sự hướng thiện làm cho Tâm của mỗi người như được trong và tĩnh hơn. Cánh én mùa xuân báo hiệu lễ hội xuân Bính Thân bắt đầu. Đình làng lại rực rỡ cờ ngũ sắc và rộn rã tiếng người, nhộn nhịp vào ra./.