Trong những ngày gần đây, thông tin về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh quản lý bị Công ty cổ phần phát triển Tùng Lâm xâm hại, đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Đặc biệt, rất nhiều hạng mục công trình trước đó của công ty CP phát triển Tùng Lâm cũng nằm trong danh sách công trình xây dựng trái phép.

Yên Tử - Kinh đô phật giáo cả nước không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà nơi đây còn chứa đựng những giá trị tâm linh và văn hoá đặc biệt mà Đức vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã để lại cho dân tộc Việt Nam. Trong thời gian qua, lại có nhiều hạng mục xây dựng mới không phép diễn ra ở đây. 

Khi nhóm phóng viên VOV có mặt tại hiện trường hạng mục công trình “nhà văn hoá” đã bị đình chỉ do xây dựng không phép, phía công ty Tùng Lâm giải thích là công trình được xây dựng trên nền móng nhà văn hoá cũ của công ty được xây dựng từ năm 2002… 

yt1_gddc.jpg
Ông Hồ Chí Đức, PGĐ Sở VHTT -DL Quảng Ninh trả lời phóng viên VOV
Ông Hồ Chí Đức, Phó giám đốc Sở VHTT-DL Quảng Ninh cũng cho rằng: Đây là công trình đã có từ trước, bây giờ hỏng hóc, xuống cấp thì tháo dỡ sửa lại. Nên tôi thấy thủ tục không hề khó khăn gì, chỉ có điều phải làm cho đầy đủ".

Tuy nhiên, cho đến nay về phía Sở VHTT-DL Quảng Ninh và Công ty Tùng Lâm vẫn chưa đưa ra được bất kì văn bản nào liên quan đến việc cấp phép xây dựng công trình này. Trong sơ đồ quy hoạch khu Danh thắng Yên Tử, nhà văn hoá là hạng mục chưa từng có trong quy hoạch xây dựng nhà cáp treo 1. 

Phải chăng đây chỉ là một trong những hạng mục nhỏ trong nhà ga cáp treo 1 bị hỏng và xuống cấp? Vậy chất lượng cả nhà ga hiện tại có xuống cấp theo nhà văn hoá đó hay không? Tuy không nằm trong vùng lõi của di sản cần bảo vệ tuyệt đối, nhưng với những công trình phát sinh thêm như tôn tạo, trùng tu, xây mới tại Yên Tử - Trung tâm Phật giáo của cả nước cần sự chấp thuận của Bộ VHTT-DL. 

Ông Lê Trọng Thanh, PGĐ Công ty CPPT Tùng Lâm chỉ vị trí nhà văn hoá vừa bị đình chỉ.
Còn ông Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc Cty Tùng Lâm lại giải thích: “Chúng tôi thừa nhận những khiếm khuyết vừa qua, rất mong dự luận cũng thông cảm cho chúng tôi, do nhiều công việc bận rộn cũng như chuyển giao thế hệ lãnh đạo nên cũng không quan sát để ý kỹ về vấn đề này".

Những cơ quan tham gia quản lý trực tiếp và gián tiếp danh thắng Yên Tử đã ở đâu khi có sai phạm? UBND Thành phố Uông Bí và BQL Rừng và Danh thắng Yên Tử là những đơn vị trực tiếp quản lý về mặt nhà nước tại danh thắng này. Hàng tuần, hàng quý, đều tổ chức các cuộc họp giao ban giữa Công ty Tùng Lâm và chính quyền địa phương, thế mà một công trình được xây dựng không phép ngay tại vùng lõi của Danh thắng Yên Tử lại không được ai nhắc đến.

Cách đây hơn 6 năm, Công ty cổ phần Tùng Lâm đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm ở khu danh thắng Yên Tử mà không hề được cấp phép. Suối Giải Oan cũng bị dựng cầu, kè đá không phép, cơ quan chức năng cho biết còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Công ty Tùng Lâm báo cáo. 

Công ty Tùng Lâm cũng đưa ra giải thích việc dựng ki ốt, cầu, kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp hơn, phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn. Trong khi, UBND Uông Bí chỉ cho phép công ty dựng tay vịn tại các khúc cua nguy hiểm. Thời điểm đó, hạng mục này đã được yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nhưng hiện tại cầu vào suối Giải Oan vẫn còn. Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một công trình xây dựng sai phép ngay trong lòng di tích Quốc gia đặc biệt, dù đã có quyết định phá bỏ nhưng vẫn tồn tại đến bây giờ!?

Đất đá ngổn ngang từ những ki ốt, chợ đã bị phá trước mặt sân khai hội Yên Tử.
Đây cũng là thực trạng của phần lớn các công trình trùng tu, tôn tạo và xây mới tại Yên Tử. Về phía công ty, hoặc thi công trước, xin phép sau, hoặc xin phép một đằng, làm một nẻo…nên đã và đang phá vỡ cảnh quan, sự nguyên vẹn của một trong những danh thắng có giá trị đặc biệt này. Hành động này đang bất chấp luật và các quy định của Nhà nước về quản lý di sản. 

Còn chưa đầy 3 tháng nữa, mùa lễ hội 2016 sẽ diễn ra, nhưng theo quan sát của phóng viên phía trước sân khai hội Yên Tử, đang ngổn ngang đất, đá, gạch ngói bị tháo dỡ của khu chợ, kiot hàng quán và đặc biệt nhà điều hành của Ban quản lý di tích Yên Tử… Vậy một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra công trình xây mới này có nằm trong quy hoạch của Bộ VHTT-DL không? Và công trình có kịp hoàn thành xây dựng trước đợt khai hội Xuân Yên Tử 2016 hay không?

Ông Lê Trọng Thanh, Phó giám đốc Cty Tùng Lâm cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để phấn đầu bàn giao cho các hộ kinh doanh trước tết Âm lịch 2016, khoảng 1 tháng rưỡi. Và đây là công trình chúng tôi có đầy đủ giấy phép”.

Quá nhiều bất cập trong việc trùng tu, xây mới tại khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử lâu nay đã chứng tỏ sự lơ là, buông lỏng quản lý của nhà chức trách. Website của Trung tâm di sản thế giới UNESCO đã đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới. Trong quá trình đề cử di sản văn hoá tới Uỷ ban Di sản thế giới mọi tác động liên quan tới di sản sẽ bị chính tổ chức này đánh giá và trực tiếp thẩm định. Việc xây dựng những hạng mục công trình mới như thế nào? quy mô ra sao? cần phải tính toán một cách kĩ lưỡng để đảm bảo được bản sắc. Trách nhiệm của những người liên quan với những di sản tầm cỡ như Yên Tử càng cần thể hiện rõ ràng hơn./.