Vật liệu xây dựng ngổn ngang. Kiến trúc tại nhà ga cáp treo Yên Tử đang bị đập đi để xây mới. Việc xây dựng này, ông Thanh, đại điện của Công ty Tùng Lâm - đơn vị khai thác cáp treo Yên Tử, biện minh: “Để xây nhà văn hóa công ty thôi. Để vào ngày đầu tháng hôm rằm có chỗ làm lễ vái Tam tổ Trúc Lâm. Trước diện tích chỉ đủ cho khoảng mấy chục người. Công ty lại hơn trăm người, mỗi một lần làm lễ vẫn phải ngồi hết ra ngoài”.

yentu_brtg.jpg
Công trường xây dựng không phép ở ngay vùng lõi của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử - Ảnh: Thúy Nguyễn

Vừa làm vừa xin phép

Ông Thanh cũng cho biết việc xây mới này hiện chưa được cấp phép. “Phải xin phép chứ. Chúng tôi đang vừa xin phép vừa làm cho kịp (mùa lễ hội tết - PV)”, ông Thanh cho biết.

Trong khi đó, ông Vũ Đức Yêm, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, khẳng định: “Họ (Công ty Tùng Lâm) xin phép sửa chữa thôi”. Trên thực tế, Công ty này mới chỉ gửi đơn xin phép Ban Quản lý di tích Yên Tử và thành phố Uông Bí. Nhưng trong khi việc mới chỉ dừng ở đó, chưa hề có giấy phép, phía công ty đã tự động đập kiến trúc cũ đi để xây nhà mới.

“Phía Tùng Lâm họ làm đơn xin nâng cấp. Có nghĩa là điểm văn hóa đó trước kia đã có. Giờ họ làm đơn xin nâng cấp lên cho phù hợp với cảnh quan và kiến trúc bây giờ. Thế thì họ cũng đã có công văn báo cáo với thành phố và Ban. Và thành phố cũng đã có công văn hướng dẫn họ thực hiện theo các quy định. Tuy nhiên, sau đó họ lại vừa làm vừa triển khai quy định đấy nên họ bị sai. Nên thành phố và Ban đã vào lập biên bản, đình chỉ”, ông Yêm cho biết.

Bên cạnh đó, ông Yêm nói kiến trúc mới xây này có diện tích lớn hơn kiến trúc cũ. “Trong văn bản họ không nói là mở rộng bao nhiêu, họ chỉ nói là xin sửa chữa nâng cấp thôi. Nhưng diện tích có mở rộng”, ông Yêm nói và cho biết ban quản lý của ông không có trách nhiệm xin phép hộ công ty này. Là đơn vị quản lý nhà nước, ông chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện mà thôi.

Thi công 9 điểm không hề được cấp phép

Đây không phải lần đầu Tùng Lâm có cách làm việc kiểu “tiền trảm hậu tấu” như vậy. Hồi cuối năm 2009, theo thống kê của Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, công ty này đã tiến hành xây dựng tới 9 điểm thi công ở Yên Tử mà không hề được cấp phép. Suối Giải Oan cũng bị dựng cầu, kè đá không phép. Thậm chí, vào thời điểm đó, cơ quan chức năng cho biết còn chưa nhận được bản quy hoạch, thiết kế nào do Tùng Lâm báo cáo.

Công ty giải thích việc dựng ki ốt, cầu, kè đá để khu vực này đỡ lụp xụp hơn, phục vụ khách tham quan thuận lợi hơn. Trong khi công ty cho biết đã xin phép địa phương thì Chủ tịch UBND thị xã Uông Bí khi đó khẳng định, chỉ cho phép công ty dựng tay vịn tại các khúc cua nguy hiểm. UBND cũng đã có yêu cầu hoàn trả nguyên trạng nhưng hiện cầu đá này vẫn còn.

Việc xây dựng trái phép kéo dài, lặp đi lặp lại của Công ty Tùng Lâm cho thấy ý thức pháp luật kém của doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, không thể không đặt câu hỏi về trách nhiệm của Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Đặc biệt, không thể không đặt câu hỏi về các cấp quản lý cao hơn ở tỉnh Quảng Ninh cũng như Bộ VH-TT-DL.

Chiều 24.10 chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản, về các vấn đề liên quan tới Yên Tử nhưng chưa liên lạc được.

Cam kết thế nào với UNESCO?

Về tương lai của công trình “nhà văn hóa cho nhân viên”, ông Yêm cho biết: “Chắc là họ xây tiếp chứ không dừng lại đâu. Bởi cái đó họ phải làm thủ tục tiếp theo để hoàn thành công trình đó. Vì nếu mà chặt đi (đập bỏ cái cũ - PV) thì chỗ đó trông nó có ra cái gì đâu. Bây giờ người ta làm để đảm bảo cảnh quan và cho nó đẹp hơn”. Nếu sự việc xảy ra đúng như vậy, vòng quay lập biên bản, rồi vẫn cho tồn tại có thể lặp lại với Yên Tử và Công ty Tùng Lâm.

Sự yếu kém trong quản lý này lại được đặt trong bối cảnh hiện địa phương đang dần dần hiện thực hóa việc làm hồ sơ di sản văn hóa thế giới cho Yên Tử. Ngày 23.9.2014, website của Trung tâm di sản thế giới UNESCO đã đăng tải hồ sơ Yên Tử vào danh mục dự kiến xây dựng hồ sơ di sản thế giới.

Một ủy viên hội đồng di sản quốc gia cho biết chương trình hành động là một mục quan trọng trong hồ sơ di sản. Quốc gia thành viên cụ thể là VN sẽ phải có những cam kết bảo vệ di sản Yên Tử để nó được ghi danh vào danh sách di sản của UNESCO. Theo vị giáo sư này, với tình trạng bảo vệ di sản như thế này các chuyên gia hoàn toàn có thể nghi ngờ khả năng bảo vệ di sản Yên Tử. Việc xét duyệt hồ sơ do đó cũng có thể bị ảnh hưởng.

Chính vì thế, việc trước mắt vô cùng quan trọng là tỉnh Quảng Ninh và Bộ VH-TT-DL cùng vào cuộc để rà soát toàn bộ hiện trạng của khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử. Di tích này phải được “sạch” theo đúng hồ sơ di tích gốc và những gì các thỏa thuận được Bộ phê duyệt cho phép. Nếu không, Yên Tử sẽ trở thành một ví dụ điển hình trong việc lơ là quản lý di sản.

Đặt sự đã rồi

Vì sao một công trình xây dựng trái phép ngay trong lòng khu di tích quốc gia đặc biệt, dù đã có quyết định phá bỏ nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến tận bây giờ?
Nhiều cơ quan có thẩm quyền khi được hỏi về vấn đề này đã tỏ ra khá lúng túng. Giãi bày rằng do vụ việc trên tại suối Giải Oan xảy ra đã lâu, và mình thì mới được giao phụ trách mảng này, ông Hồ Chí Đức, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ninh, chỉ hứa... sẽ cho kiểm tra thêm. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng sau khi xây dựng cầu, kè trái phép, có thể Công ty Tùng Lâm đã hoàn thiện hồ sơ để xin được cấp phép nên cầu, kè được phép tồn tại! (?)Còn ông Phạm Tuấn Đạt, Phó chủ tịch UBND TP.Uông Bí, thì lấy lý do bận tham dự một chương trình liên hoan lớn của tỉnh nên sẽ rà soát, xem xét lại vấn đề này và thông tin lại sớm!