Chùa Cầu trong đô thị cổ Hội An có nét độc đáo về kiến trúc và giá trị văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của người Á Đông. Tại đây, trung bình mỗi tháng có hàng nghìn du khách đến tham quan. Hiện, di tích này đang xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. Mái chùa đã bị dột, hư hỏng nhiều. Điều này cũng ảnh hưởng tới tâm lý lo ngại của người qua lại trên cầu.
Chùa Cầu đang bị xuống cấp nghiêm trọng. |
Chị Phạm Thị Thảo, người dân phố cổ Hội An lo lắng: "Tôi là người dân ở Hội An thì cảm thấy Chùa Cầu đang xuống cấp rất trầm trọng. Khi chúng ta đứng ở trên thì cảm giác sợ là mình sẽ rớt xuống lúc nào không hay. Và có những đoạn có lỗ thủng có thể nhìn thấy nước ở dưới chân Chùa Cầu"
Năm 1990, Chùa Cầu được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Không chỉ có ý nghĩa về tâm linh, Chùa Cầu còn có vai trò quan trọng về giao thông trong đô thị cổ. Sau 7 lần tu bổ nhưng phần cầu và miếu đang có độ tách rời nhỏ, phần mái nhiều chỗ đã bị dột.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An tổ chức Hội thảo quốc tế về bảo tồn trùng tu Chùa Cầu với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, khoa học của Việt Nam và Nhật Bản. Từ đó đến nay, việc lập hồ sơ dự án về tôn tạo Chùa Cầu vẫn chưa được thực hiện. Lý do chính là vướng mắc về thủ tục.
Đã 7 lần tu bổ, trùng tu nhưng hiện nay phần cầu và phần miếu đang có độ tách rời nhỏ. |
Ông Nguyễn Chí Trung cho biết thêm, năm 2008, có 1 dự án về tu bổ Chùa Cầu gồm 2 gói thượng bộ và hạ bộ. Gói hạ bộ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh làm chủ đầu tư. Theo ông Nguyễn Chí Trung, hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch chưa quyết toán các hạng mục của dự án phần hạ bộ thì không thể lập dự án khác được: "Trước đây theo Luật đầu tư công thì bây giờ phải lập lại dự án cụ thể, đặc biệt là phần thượng bộ. Chứ không thể sử dụng tài liệu hoặc các hồ sơ phê duyệt năm 2008 để triển khai được. Và đặc biệt là phải theo khoa học bây giờ để làm kỹ hơn. Cho nên là sớm giải quyết được vấn đề này là phải thành toán xong phần cũ thì mới tiến hành được phần hiện nay là phần thượng bộ".
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, Chùa Cầu tồn tại hàng trăm năm nay nên việc sửa chữa, trùng tu di tích phải hết sức thận trọng. Đã qua nhiều lần Hội thảo nhưng vẫn chưa thống nhất được giải pháp trùng tu. Nhiều nhà khoa học trong nước cũng như Nhật Bản đều đề xuất tháo rời di tích, sau đó phần nào hư hỏng thì thay thế. Nhưng giải pháp này sẽ gây nhiều trở ngại cho du khách và người dân Hội An.
Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Vấn đề trùng tu Chùa Cầu đang là vấn đề nan giải và còn tranh cãi rất nhiều giữa các nhà khoa học và các nhà quản lý. Cho nên, hy vọng trong chương trình kỷ niệm 20 năm sắp tới này trong chương trình có một Hội thảo khoa học về vấn đề trùng tu Chùa Cầu, thì chắc chắn lúc đó phải đưa ra được câu trả lời phải làm như thế nào? Trùng tu ra sao cho Chùa Cầu chứ không thể chần chừ được nữa"./.