Ở Việt Nam, hình tượng Rồng đã xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và trở thành biểu tượng linh thiêng gắn với Tổ tiên, cội nguồn dân tộc thông qua truyền truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Trải qua hơn 2000 năm phát triển, hình tượng Rồng trong nghệ thuật Việt Nam đã nhiều lần biến chuyển. Trong ảnh là Tượng Rồng bằng vàng thời Nguyễn, thế kỷ 19-20.

 

Hình Rồng đắp nổi trên lư hương bằng chất liệu đất nung, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18.
Hình tượng Sư tử xuất hiện trong nghệ thuật Việt Nam do được truyền vào theo sự du nhập của Phật giáo, nhưng có những sáng tạo riêng, phong cách riêng. Trong ảnh là tượng Sư tử chầu bằng đất nung, thời Lý, thế kỷ 11-13.
Cổ bệ tượng Phật chạm hình Sư tử chầu ngọc, đá, thời Lý, thế kỷ 11-13.
Đầu Sư tử bằng đất nung thời Lý, thế kỷ 11-13.
Cặp Sư tử/Lân chầu bằng gỗ sơn thếp thời Nguyễn, thế kỷ 19-20.
img_5564_qmcs.jpg
Cũng như các nước Á Đông, trong văn hóa Việt Nam, Sư tử còn có tên gọi khác là Nghê (Kim Nghê, Toan Nghê). Trong ảnh là tượng Nghê chầu bằng gỗ sơn thếp, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18.
Tượng Nghê bằng đất nung, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18.
Tượng Voi bằng đá cát, văn hóa Chăm pa, thế kỷ 10.
Tượng Si vẫn, đất nung, thời Lê Trung Hưng. Theo truyền thuyết, Si vẫn là một loại động vật biển có đuôi cong tròn, có thể phun sóng làm mưa. Ở Việt Nam, Si vẫn thường được đắp ở hai bên nóc và các góc mái, miệng ngậm lấy đầu nóc hoặc đầu bờ guột, nên dân gian thường gọi bằng tục danh là con Kìm.
Cặp Phượng chầu bằng gỗ, thời Lê, thế kỷ 17-18. Phượng vốn là linh vật có nguồn gốc từ thần thoại và nghệ thuật Trung Hoa, được nhiều nước Á Đông tiếp nhận và sử dụng. Ở Việt Nam, Phượng là đề tài trang trí phổ biến ở mọi thời đại, trên mọi lĩnh vực nghệ thuật khác nhau.
Hộp trầu chạm hình phượng bằng vàng, thời Nguyễn.
Tượng Long mã bằng đồng, thời Nguyễn, thế kỷ 19-20. 
Tượng Rùa trên ấn "Quốc mẫu chi bảo" bằng bạc và vàng, thời Nguyễn. Rùa là con vật có thật được linh hóa. Theo quan niệm của người Việt Nam, Rùa biểu trưng cho sự bền vững, trường tồn. Bởi vậy, Rùa thường được tạc thành tượng để đội bia đá, tháp Phật. 
Phù điêu Tiên cưỡi hạc bằng gỗ, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17-18. Hạc vốn ban đầu là linh vật của Đạo giáo. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Hạc thường được mô tả đứng chầu trên lưng rùa hoặc trong đề tài Tiên cưỡi Hạc trên điêu khắc gỗ đình, đền, chùa.
Tượng Kỳ lân bằng gỗ, thời Nguyễn, thế kỷ 19-20. Hiện nay, trong đời sống dân gian thường có sự nhầm lẫn giữa Kỳ lân và Sư tử. Tuy nhiên, trong nghệ thuật cổ Việt Nam thì quy định khác biệt rất rõ ràng về hình thức, ý nghĩa biểu trưng. Theo đó, Kỳ lân thường mang đặc điểm là đầu nửa rồng, nửa thú, trêu đầu có một hoặc hai sừng, thân của động vật móng guốc, vảy cá.
Đĩa vẽ cá hóa rồng, thời Lê sơ. Cá hóa rồng là biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công của các sĩ tử. Trong nghệ thuật cổ Việt Nam, đề tài cá hóa rồng bắt đầu xuất hiện từ thời Trần (thế kỷ 13 - 14), phát triển mạnh và đạt tới đỉnh cao nghệ thuật vào thời Lê sơ (thế kỷ 15).
Mảnh tháp trang trí hình chim thần Garuda, đất nung, thời Lý. Người Việt tiếp nhận Garuda từ Ấn Độ giáo của văn hóa Champa, biến thành linh vật thần thoại của Phật giáo Đại Việt.