Triển lãm "Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam" lần đầu tiên tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 7-17/11/2014, nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên Hà Nội. Đây chính là một dịp để nền nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam có cơ hội đến gần hơn với các bạn trẻ. 

trien_lam_uvme.jpgTượng nghê đá, sư tử đá trong một góc trong phòng triển lãm
Trong thời gian diễn ra triển lãm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức chương trình giáo dục tương tác dành cho học sinh phổ thông nhằm giúp các em có cơ hội tìm hiểu kiến thức về giá trị di sản nghệ thuật dân tộc. Đến với triển lãm, các em học sinh không chỉ có cơ hội được ngắm nhìn các hiện vật mà còn được trực tiếp học cách phác họa, in ấn thủ công các hình tượng nghê và sư tử thuần Việt. 

Rất đông các bạn sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Nghệ thuật trung ương đến thăm quan, tìm hiểu và tiến hành phác họa trực tiếp tại Bảo tàng
Một bạn sinh viên năm thứ nhất tại ĐH Nghệ thuật Trung ương đang thực hành phác hoạ lại bức tranh về nghệ thuật điêu khắc trong triển lãm.

Sáng ngày 11/11, nhóm học sinh lớp 6 trường Tiểu học Nguyễn Siêu đi tham quan và thực hành các hoạt động ngoại khoá ngay tại Bảo tàng. Hoạt động này nằm trong môn học Mỹ thuật của trường.
Thầy giáo Kiên (giữa) – giáo viên phụ trách bộ môn Mỹ thuật tâm sự: “Thông qua những buổi hoạt động ngoại khoá như thế này, các con có cơ hội được trải nghiệm thực tế thay vì những bài giảng lý thuyết ở trên lớp. Tại đây, được mắt thấy tai nghe, được các cô hướng dẫn giúp các con đã có thêm hiểu biết về Nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam và tìm ra được sự khác nhau giữa con nghê, con sư tử thuần Việt với các hình tượng ngoại lai”.

Ngoài vẽ, các em học sinh còn được tham gia hoạt động in tranh bằng các sử dụng màu nước và các con lăn màu.
Em Vũ Anh (trái) chia sẻ: “Bình thường đi vào chùa thì em cũng thấy mấy con này nhưng chẳng bao giờ để ý, có vào đây thì em mới biết thế nào là sư tử đá, nghê đá Việt Nam với cả thấy nghệ thuật cổ Việt Nam cũng rất phong phú và thú vị”.

Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, nhiều ý kiến cho rằng, giới trẻ hiện nay không quan tâm đến các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy, nếu chúng ta cung cấp đầy đủ thông tin và có phương pháp tiếp cận đúng cách, giới trẻ vẫn quan tâm khám phá và tìm hiểu nét đẹp của văn hóa truyền thống nói chung và nghệ thuật điêu khắc cổ nói riêng./.