Áo dài Việt Nam không bắt nguồn từ áo sườn xám của Trung Quốc

Tại buổi tọa đàm, các nhà sử học, chuyên gia nghiên cứu lịch sử trang phục, nhà thiết kế áo dài đã điểm lại lịch sử trang phục mang tính biểu tượng của Việt Nam - áo dài; những mốc phát triển nổi bật của áo dài và những giá trị văn hoá, biến động lịch sử ẩn sau những mốc phát triển đó.

Những xu hướng phát triển cách tân áo dài trong thế kỷ XXI và những quan điểm đối với một số cách tân "mới", "lạ" từ đó tìm ra phương thức dung hòa để bảo tồn nét đẹp biểu tượng của áo dài cũng được các diễn giả đưa ra bàn luận trong buổi tọa đàm.

vov_1_nsys.jpg
Các diễn giả khách mời trong buổi tọa đàm.

Nhà nghiên cứu Trịnh Bách cho rằng chưa ai có thể xác định được áo dài Việt Nam ra đời từ khi nào, tuy nhiên, định hình áo tay chẽn đã được lưu lại bằng những hình ảnh khắc trên cán dao Đông Sơn.

Áo dài nữ bao gồm: áo dài tứ thân, áo dài 5 thân. Áo dài tứ thân bắt đầu từ thời Hán (áo Trách tụ trường bối (Đối khâm trách tụ) - áo tay hẹp, vạt dài, hai vạt đối nhau). Áo dài 5 thân, cả Trung Quốc đều không có, bên Trung Quốc không bao giờ được phép may theo kiểu bì bào (bó thân).

Đến đời Thanh mới bắt đầu có bì bào, có nét giống với chiếc áo dài của Việt Nam. Thế nhưng áo dài của chúng ta có từ trước đó. Bằng chứng được lưu lại là hình ảnh chiếc áo dài 5 thân trên tượng Ngọc nữ ở chùa Dâu (thế kỷ XVI).

Áo Trách tụ trường bối (Đối khâm trách tụ) - tranh vẽ đời Tống. (Ảnh tư liệu)

"Nhiều người tưởng rằng áo dài của Việt Nam bắt chước từ áo sườn xám của Trung Quốc. Nhưng không phải, áo sườn xám của Trung Quốc đến những năm 1920, bà Tống Mỹ Linh - vợ Tưởng Giới Thạch dựa theo chiếc áo dài của Việt Nam để làm ra chiếc áo sườn xám.

Để cho khác với áo dài của chúng ta, họ đã cho cắt tay, đường may sâu xuống đến giữa đùi để họ không mặc quần", nhà nghiên cứu Trịnh Bách giải thích.

Chiếc áo dài nam của chúng ta cũng vậy. Nó là sự kết tinh của khí chất khiêm nhường, điềm đạm của người đàn ông Việt. theo anh Nguyễn Đức Lộc - thành viên nhóm Đình Làng Việt: "Chẳng hạn như cổ áo dài của người đàn ông Việt phải là cổ vuông hình chữ "Khẩu", đường khuy hình chữ "Quảng", tà hình chữ "Bát" - khi đi đứng nằm ngồi, cái tà sẽ che hết thân.

Khăn vấn đầu hình chữ nhân thể hiện ngũ thường: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín và bao giờ chữ Nhân cũng được đặt lên trên đầu. Chiếc áo dài của người Trung Quốc thường có khuy bằng vải, cùng màu với áo, còn chúng ta dùng khuy vàng, bạc, đồng, ngà... ".

Anh Nguyễn Đức Lộc cũng khẳng định, đây là những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng mà nhiều nhà thiết kế áo dài hiện nay chưa nắm được, dẫn đến việc khiến công chúng hiểu sai về giá trị chiếc áo dài truyền thống của cha ông ta.

Phá cách không phải là cách tân

Tại tọa đàm “Áo dài Việt từ lịch sử đến đương đại”, các nhà nghiên cứu, chuyên gia về trang phục cho biết, những năm gần đây, bên cạnh tà áo dài truyền thống, áo dài cách tân đã và đang trở thành xu hướng thời trang của nhiều người.

Đặc biệt, trong Tết Đinh Dậu 2017, rất nhiều bạn trẻ nữ thi nhau kết hợp áo dáng dài với chân váy xòe hoặc các bạn nam mặc áo dài cách tân với màu sắc, hoa văn sặc sỡ, kiểu dáng mới mẻ dẫn đến nhiều tranh luận trái chiều.

Theo nhà nghiên cứu, nhà sưu tập trang phục truyền thống Việt - Trịnh Bách, nhiều người đang nhầm lẫn về giá trị của chiếc áo dài, chẳng hạn như xu hướng may áo dài hiện nay mà chúng ta hay gọi là "Áo dài cách tân".

Hoạ sĩ Nguyễn Đức Bình giải thích cấu tạo của một bộ áo dài nam truyền thống

“Với quan điểm cá nhân, tôi không coi đó là cách tân. Bởi vì cách tân là phải bám vào nét truyền thống, những chiếc áo dài cách tân trên thị trường hiện nay nhiều thiết kế không có được điều đó. Các nhà thiết kế đưa những sáng tạo mới vào, đôi khi còn phảng phất những nét của Ấn Độ hay Trung Quốc…

Ví dụ, có thiết kế tà áo dài quá sẽ giống Trung Hoa, nếu ngắn quá lại giống Ấn Độ. Như vậy nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt hầu như không được các nhà thiết kế hiện nay đón nhận nó và phát huy”, nhà nghiên cứu Trịnh Bách phân tích.

Có ý kiến khẳng định, áo dài vạt ngắn mặc cùng váy là phá vỡ truyền thống. Cũng có ý kiến cho rằng, mặc "áo dài cách tân" sẽ thoải mái và thuận tiện hơn trong cuộc sống hiện đại.

Các thành viên nhóm Đình Làng Việt diện áo dài truyền thống tham dự sự kiện

Xung quanh tranh cãi này, nhà văn Trương Quý cho rằng sự biến tấu của áo dài trong giới trẻ hiện nay chúng ta phải chấp nhận.

“Chúng ta cũng không nên chăm chăm cho rằng chỉ nên có một kiểu loại áo dài. Thực tế, phong trào hippi, phong trào thế giới trẻ... gần đây, một bộ phận giới trẻ bao gồm cả nam và nữ mặc áo dài cách tân rất đẹp, thể hiện sự sáng tạo", nhà văn Trương Quý chia sẻ.

Theo nhà văn Trương Quý, đến một lúc nào đó, chúng ta nên có tư duy thay đổi, chấp nhận cả những sự khác lạ như ý kiến của một nhà báo từng nói về niềm mơ ước được thấy trở lại áo dài trần bông trên đường phố trong thời gian không xa. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là chúng ta không nên làm quá lố, vẫn dung hoà đươc nét hiện đại và truyền thống.

Áo dài của cả nam và nữ hiện nay thường do nhà may định hướng, theo nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều dáng áo dài cách tân được thiết kế, làm mới thay thế những dáng áo truyền thống.

Theo anh Nguyễn Đức Lộc, cách tân hay truyền thống đều nằm ở sự tinh tế trong từng chi tiết. Cái đẹp thể hiện trong tạo hình, đạo đức, ở sự kín đáo chứ không phải phô ra.

"Áo dài nữ vẫn giữ được cái đẹp truyền thống bên cạnh sự cách tân do nó thể hiện được sự duyên dáng của phái nữ; giống như áo dài nam dù qua thời gian biến đổi và phát triển vẫn thể hiện được vẻ đàng hoàng mà sang trọng của nam giới vậy", anh Nguyễn Đức Lộc nói./.