Tối 18/11, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra ngày hội thời trang Việt - Hàn. 3 nhà thiết kế Việt Nam: Sỹ Hoàng, Thuận Việt và Đinh Văn Thơ đã cùng với nhà thiết kế Hàn Quốc Lee Young Hee giới thiệu đến người xem 6 bộ sưu tập trang phục truyền thống của Việt Nam và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, trang phục, thợ kim hoàn và đông đảo khán giả đã bày tỏ bức xúc với bộ sưu tập “Quê hương tôi” của NTK Đinh Văn Thơ và BST áo dài từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 21 do nhà thiết kế Sỹ Hoàng phục chế.
Hình ảnh trang phục được trình diễn trong ngày hội thời trang Việt – Hàn |
Trước hết, đó là vấn đề về chiếc mũ được 2 người mẫu nam và nữ đội trong ngày hội thời trang Việt – Hàn. Ông Vũ Kim Lộc - nhà nghiên cứu, thợ kim hoàn, nhà phục chế mũ của Vua Bảo Đại cho rằng một chiếc mũ đó được mô phỏng mũ Cửu Long Thông Thiên của Vua đội trong các lễ Đại triều, tấn tôn và tiếp sứ giả các nước, mũ còn lại là chiếc mũ Cửu Phượng của Hoàng hậu.
Ông Vũ Kim Lộc khẳng định: “Với góc độ chuyên môn của người phục dựng 4 mũ Vua triều Nguyễn, tôi nhận thấy 2 chiếc mũ này đã được mô phỏng quá cẩu thả.”
Trang phục đại triều Nguyễn (bên trái) và trang phục được cho là phục chế lại (bên phải). Ảnh: Rainy Tran |
Phân tích thêm về sự cẩu thả này. Ông Vũ Kim Lộc cho rằng chiếc mũ Vua, thoạt nhìn đã thấy sự mất cân đối giữa các trang sức với thân mũ bởi bác sơn lớn và bác sơn nhỏ quá khổ, tiếp đến là sự nghèo hèn của đường cong trên phốc đầu bởi nó không tạo ra sự trang trọng cho mặt tiền của mũ.
Ở trán mũ thường là 8 rồng hội với các trang sức hình lửa và mây với trung tâm là 1 rồng ổ (long hội), nhưng mũ mô phỏng lại có không gian chật hẹp không còn tính long hội. Trên phốc đầu, 2 con rồng còm đang đứng trông thật phản cảm.
Mũ Cửu Long Thông Thiên (tức mũ Xung Thiên) được phục dựng từ hiện vật gốc, đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia |
“Về mặt sau của mũ mô phỏng, rất tiếc là tôi không có ảnh, không biết họ có đảm bảo yếu tố chủ đạo về các rồng trên cặp hốt thông thiên là thăng và giáng không”, ông Lộc bày tỏ.
Ngoài ra ông Vũ Kim Lộc cũng cho biết còn hai yếu tố quan trọng không kém, đó là “tất cả các rồng và lửa phải là sống chứ không chết, tức là mỗi khi nhà Vua cử động, đầu rồng và lửa cũng lay động theo. Thực tế ở các mũ của Vua, đầu rồng luôn được kết nối với thân rồng bằng lò xo, còn lửa thì gắn lò xo ở dưới”.
Bất bình trước thái độ hời hợt về lịch sử truyền thống, ông Vũ Kim Lộc nhận xét: “Về mũ của Hoàng hậu, cũng với sự quá khổ của bác sơn lớn và bác sơn nhỏ, chỏm mũ được phóng tác với 2 trâm thô kệch xỏ ngang ở trên, nhìn chung là phản cảm”.
Thứ hai, là vấn đề về bộ trang phục. Thông qua rất nhiều tư liệu và hiện vật còn trưng bày tại các bảo tàng có thể thấy trang phục nhà Nguyễn, ngoài sự tinh tế cầu kỳ của việc thêu hoạ tiết, dáng áo là yếu tố quan trọng tạo nên sự uy nghi bề thế của lễ phục.
Anh Nhật Thành, người từng nghiên cứu rất nhiều về trang phục truyền thống Việt Nam cho rằng: “Hai bộ áo được cho là phục chế lại hoàn toàn không thuộc một quy chế nào của trang phục cung đình Nguyễn từ dáng áo cho đến thể thức.”
Long bào Đại triều của vua triều Nguyễn (hiện vật gốc ở Bảo tàng Lịch sử TPHCM). |
Anh Nhật Thành giải thích rằng chiếc áo đại triều của Vua không có cánh phú hậu, không đai, không xiêm, may bó sát vào người tay loe ra thật tân kỳ. Áo Hoàng hậu cũng vậy thiếu quy cách và thể thức may áo đúng với truyền thống và điển chế.
“Nếu đây là trang phục cách tân thiết kế dựa trên ý tưởng trang phục xưa, chúng tôi hoàn toàn không bình luận. Nhưng khi tham gia giao lưu với nền văn hoá nước bạn, đây là sự hiểu biết chưa kỹ nền văn hiến hơn 4000 năm của nước Việt”, anh Nhật Thành nói.
Bộ trang phục áo Nhật bình và áo dài nam trong màn trình diễn của bộ trang phục vương tộc nước Việt cũng thể hiện sự thiếu sót không nên có đó là chiếc áo Nhật bình đỏ được kết hợp chít khăn vành màu vàng.
Trong khi đó, triều Nguyễn đặt triều điển (Khâm định đại nam hội điển sử lệ - Bộ sách về quy chế của triều đình nhà Nguyễn từ hành chính trang phục và lễ nghi) rất nghiêm ngặt, màu vàng chỉ được sử dụng cho Hoàng đế.
Vương Phi nhà Nguyễn dù mặc áo vàng bậc tôn quý vẫn chít khăn vành màu xanh bích được nhà nghiên cứu Trịnh Bách tái hiện lại. Ảnh: Tễu Blog |
Sau thời Vua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu có sử dụng khăn vành màu vàng còn tất cả các phi tần, dù là thái hậu vẫn sử dụng khăn vành màu xanh bích.
“Trang phục Nhật bình đỏ trong buổi trình diễn không hiểu của bậc cung giai nào lại sử dụng khăn vành màu vàng vì nếu mô phỏng lại trang phục Nam Phương hoàng hậu thì áo Nhật Bình phải màu vàng hay màu cổ đồng”, Nhật Thành giải thích.
Đối với trang phục Nam áo dài (thụ lĩnh) tay chẽn (hẹp) màu xanh biển đầu chít khăn vàng chân đi hia. Nếu Hoàng đế thì chít khăn vàng là đúng nhưng không mặc áo xanh, đi hia mặc áo tay chẽn là bận bộ áo Long Trấn võ phục Hoàng đế, đầu đội cửu Long Đường Cân để duyệt binh hay dự khánh lễ mang tính võ ban.
Anh Nhật Thành cho biết: “Vua Khải Định khi sang Pháp ông sử dụng áo Long Trấn chít khăn, đi ủng tây đã bị các chí sĩ trong nước cho là ăn mặc lai căng lố lăng, nay nhìn lại người này không biết dùng từ gì để diễn tả”.
Vua Khải Định trong chuyến sang thăm chính thức nước Pháp, từ ngày 15/5/1922 đến 10/9/1922. |
Thiết kế thời trang là xu hướng hiện đại, là nghệ thuật sáng tạo, nhưng phục dựng trang phục truyền thống là tôn vinh văn hoá lịch sử, là sự thể hiện quốc thể.
Vụ việc vừa qua cho thấy, đây không phải lần đầu những thiết kế trang phục truyền thống bị thiếu sót, khiến công chúng hiểu lầm, hiểu sai về trang phục, văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Đặc biệt với các di sản đại diện cho bộ mặt quốc gia như phẩm phục của Vua và Hoàng hậu khi đem đi giao lưu với nước ngoài, rất cần sự thận trọng, và ứng xử với những di sản đó một cách có văn hóa và có khoa học./.
Áo dài nam truyền thống và chuyện tìm quốc phục cho đàn ông Việt
Đại sứ Phạm Sanh Châu: “Mặc áo dài, tôi thấy mình khác biệt“
Vẹn nguyên tình yêu với trang phục áo dài truyền thống
Đại sứ Nga tự tin trình diễn áo dài nam Việt Nam