Trong hầu hết các bản Hiến pháp của nước ta đều đã đề cập đến lĩnh vực dân tộc. Cùng với đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế để công tác dân tộc được thực hiện hiệu quả, đạt được những thành tựu quan trọng. Đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của bà con vùng đồng bào dân tộc cónhiều đổi mới và tiến bộ so với trước. Tuy vậy, vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác dân tộc cũng như đời sống của bà con vùng dân tộc, vẫn còn khoảng cách khá lớn về mọi mặt giữa các dân tộc. 

dsc_0221.jpg
Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước (ảnh: Việt Đức)

Vì thế, trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này, vấn đề dân tộc cũng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là cán bộ và đồng bào vùng dân tộc.

Phải giải quyết tốt vấn đề dân tộc-tôn giáo

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Trung ương cho biết, trong các cuộc góp ý vào dự thảo Hiến pháp, đồng bào các dân tộc mong muốn Hiến pháp phải xác định và quy định rõ vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Cùng với đó là các nguyên tắc, chính sách giải quyết vấn đề dân tộc của ta cũng như trách nhiệm bảo đảm của Nhà nước và việc phát huy nội lực của các dân tộc.Theo ông Lù Văn Que, Văn kiện các Đại hội của Đảng ta đều xác định vị trí chiến lược của vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc, nhưng vị trí đó không được thể chế trong Hiến pháp.

“Tôi thấy vị trí chiến lược này rất quan trọng, mở đầu Điều 5 của Hiến pháp phải xác định: Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài. Có xác định và thể chế như vậy trong Hiến pháp mới hợp lòng dân, mới tạo được sự thống nhất từ trong Đảng đến toàn dân về nhận thức và hành động đúng tầm của vấn đề này. Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước”. 

Ông Lù Văn Que

Ông Que cũng cho rằng, Dự thảo phải khẳng định quyền và nghĩa vụ của các dân tộc. Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ bình đẳng về chính trị, kinh tế, xã hội, cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Có thể các quyền và nghĩa vụ đó được thể hiện chung ở điều khác trong Hiến pháp, nhưng không thể không khẳng định trong Điều 5 này. Được như vậy, cán bộ và đồng bào các dân tộc thấy rõ quyền lợi và vinh dự của mình, sẽ nâng cao thêm ý thức và trách nhiệm với Tổ quốc”- Ông Que đề nghị.

Ông Que cũng cho biết, cán bộ và đồng bào các dân tộc không chỉ mong xác định rõ vị trí chiến lược, quyền và nghĩa vụ của các dân tộc, mà còn muốn rõ Đảng và Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề dân tộc thế nào? “Theo tôi, cần bổ sung việc có ý nghĩa quyết định là, Nhà nước bảo đảm thực hiện chính sách phát triển toàn diện, bền vững vùng dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc “bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau, tiến bộ”; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước”.

Theo ông Que, cần phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện và tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển. Các dân tộc thiểu số phải phát huy nội lực để phát triển, khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại. Từng bước thu hẹp được khoảng cách chênh lệch giàu-nghèo.

Đảm bảo tốt hoạt động của các tôn giáo

Đóng góp vào dự thảo Hiến pháp, Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, dự thảo nêu ra được nhiều điểm mới, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển của đất nước ta hiện nay.

Theo Thượng tọa Thích Gia Quang những quy định: mọi người có nghĩa vụ tôn trọng người khác, không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân, để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc hay quyền lợi của người khác... là những điều rất mới đã phản ánh khá đầy đủ quyền con người.Một trong những nội dung được Thượng tọa Thích Gia Quang dành nhiều quan tâm là các vấn đề về tôn giáo. Điều 17, dự thảo Hiến pháp quy định “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Thượng tọa Thích Gia Quang cho rằng, không phải ai cũng theo tôn giáo, nhưng những người có tôn giáo như Thượng tọa chẳng hạn, rất mong muốn Hiến pháp nếu thêm quy định “không ai bị phân biệt trong đời sống tôn giáo”, như vậy nó sẽ bao quát và đầy đủ hơn.

Điều 25, dự thảo Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ.

Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. 

Thượng tọa Thích Gia Quang

Theo Thượng tọa Thích Gia Quang, trong Khoản 1 đã nêu tương đối rõ, nhưng nên thêm quy định “không ai có quyền bắt buộc theo hay không theo một tôn giáo nào, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật” thì Hiến pháp sẽ chặt chẽ hơn.

Khoản 2 cũng nên quy định rõ không ai có quyền xúc phạm đến niềm tin, lý tưởng của các giáo lý đang sinh hoạt hợp pháp. “Tình hình tôn giáo hiện nay trên thế giới có nhiều phức tạp, có sự kỳ thị và gây chia rẽ giữa các tôn giáo. Mặc dù ở nước ta chưa có tình trạng này, nhưng đưa quy định trên vào Hiến pháp để có cơ sở pháp lý đảm bảo tốt hơn cho hoạt động của các tôn giáo”- Thượng tọa Thích Gia Quang nói.

Trong Khoản 3 cũng nên quy định chức sắc các tín đồ tôn giáo nên tôn trọng lẫn nhau, không vì lý do truyền đạo mà gây chia rẽ trong cộng đồng dân tộc, nghiêm cấp cưỡng bách cải đạo dưới mọi hình thức. Bởi theo Thượng tọa, “nếu Hiến pháp đưa quy định này sẽ ngăn chặn được những điều không tốt giữa các tôn giáo để cho đời sống của mọi người dân, trong đó có đời sống tôn giáo được lành mạnh”.

Thượng tọa cũng cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động. Điều này được thể hiện trong các Pháp lệnh, Nghị định của Chính phủ. Nhưng nếu Hiến pháp đưa thêm quy định “Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động đúng theo pháp luật, Hiến chương, điều lệ của các tôn giáo đã được pháp luật công nhận” thì người dân và cả quốc tế đều biết được đất nước ta đã và đang đảm bảo cho đời sống của những người có tôn giáo.

Ông Lù Văn Que thì cho rằng, vấn đề dân tộc và tôn giáo ngày càng có quan hệ chặt chẽ với nhau, người theo tôn giáo là tín đồ, cũng là dân tộc, là công dân, đều phải đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ công dân và chức phận của tín đồ, khi đan quyện vào nhau có cả mặt tích cực và tiêu cực, có trường hợp giải quyết được khía cạnh tôn giáo nhưng không giải quyết được khía cạnh dân tộc và ngược lại. Theo kinh nghiệm nhiều nước, nếu không quản lý tốt vấn đề dân tộc và tôn giáo sẽ phải trả giá đắt. Các tín đồ là công dân, là dân tộc phải thực hiện tốt chính sách “tự do-đoàn kết” của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện tốt lời Bác Hồ đã khuyên giáo dân “sống theo Đảng, chết theo Chúa”, phải thực hiện tốt phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Ông Lù Văn Que đề nghị, Hiến pháp nên nghiên cứu bổ sung quy định “mọi người có quyền tự do và đoàn kết”, tự do hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, tự do bỏ đạo, phải đoàn kết lương giáo, các giáo phái, hòa hợp dân tộc- tôn giáo, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo…”./.