Hiến pháp sửa đổi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Trong các cuộc hội thảo, hội nghị đóng góp ý kiến về dự thảo Hiến pháp, nội dung về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công nhân nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu, các nhà khoa học và các chuyên gia.

Hiến pháp sửa đổi bảo đảm cơ chế thực thi quyền công dân

Theo đánh giá chung của nhiều người, dự thảo Hiến pháp lần này làm rõ  nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quy định quyền công nhân không tách rời nghĩa vụ công dân. Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của công dân trong Hiến pháp năm 1992, đồng thời bổ sung một số quyền mới. Điều này là kết quả của quá trình phát triển đổi mới đất nước, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành niên.

dantocthieuso.jpg
Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của công dân (ảnh: KT)

Là phóng viên theo dõi mảng nội chính của báo Thanh niên, nhà báo Đinh Thị Nguyệt Minh cho biết, quyền con người trong Hiến pháp sửa đổi là vấn đề chị đặc biệt quan tâm.

Theo nhà báo Nguyệt Minh, Điều 26 của Hiến pháp 1992 quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật. Thực tế thì một số quyền như tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do cư trú và đi lại đã từng được quy định trong Hiến pháp 1946, sau đó tiếp tục đưa vào, bổ sung trong Hiến pháp 1992 nhưng bao nhiêu năm qua chưa thể thực hiện được do chưa có luật quy định các trình tự, thủ tục, quy trình thực hiện. Hơn nữa, các quyền trên lại bị lệ thuộc vào cụm từ “theo quy định của pháp luật” nên mặc nhiên cách hiểu quy định này là khi chưa luật hóa được nội dung hiến định trên thì công dân Việt Nam không thể thực hiện được các quyền này.

Để bảo đảm các quyền trên được thực hiện sau khi Hiến pháp được thông qua và có hiệu lực, cần sửa lại Điều 26 với nội dung: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, được thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Nhà nước bảo đảm các điều kiện cần thiết để công dân thực hiện các quyền trên sau khi Hiến pháp được thông qua tối đa 360 ngày.

 

 
 Nhà báo Nguyệt Minh

  “Sở dĩ tôi đề nghị thời gian tối đa như vậy vì để thể chế hóa quy định trên bằng luật, theo quy định mỗi luật được thông qua phải thảo luận tại 2 kỳ họp, chưa kể các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Nhà báo Nguyệt  Minh đề nghị.

TS. Vũ Duy Hải, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã có sự đổi mới quan trọng khi nhấn mạnh bổ sung đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Dự thảo cũng đã thể hiện một bước tiến quan trọng về công nhận và bảo đảm các quyền con người. Trong đó, Điều 46, khoản 1 nhấn mạnh quyền được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, bản Dự thảo mới chỉ đề cập đến môi trường tự nhiên, mà chưa đề cập đến môi trường xã hội. Trong khi đó, nhu cầu về một xã hội ổn định, an toàn là đòi hỏi chính đáng của mọi người. Vì vậy, nên bổ sung Điều 46, khoản 1 thành “Mọi người có quyền được sống trong một môi trường trong lành và an toàn”.

Cũng theo TS Vũ Duy Hải, Chương II của Bản Dự thảo đã đề cập đến hai khái niệm Quyền con người và Quyền công dân, nhưng không làm rõ, để phân biệt hai quyền này: “Không phải tất cả mọi người đều dễ dàng phân biệt được hai quyền này và biết thực hiện từng quyền này trong từng trường hợp nào. Trên lãnh thổ Việt Nam, người không mang quốc tịch Việt Nam chỉ có quyền con người mà không có quyền công dân. Do vậy, bản Dự thảo cần đưa ra định nghĩa, làm rõ hơn nữa, phân biệt giữa quyền con người với quyền công dân”.

TS Hải cũng cho rằng, quyền luôn phải gắn liền với nghĩa vụ. Nhưng trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - đạo luật cao nhất của Nhà nước - lại không hề có quy định cụ thể về việc trên lãnh thổ Việt Nam, mọi người (bao gồm công dân Việt nam và người nước ngoài, người không quốc tịch) đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. “Nếu không quy định cụ thể điều này thì hệ thống pháp luật sẽ khó đảm bảo tính hiệu lực. Do đó, cần bổ sung vào Điều 16: “Mọi người có nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật”.

Chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa

Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh

Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, Biên đạo múa – Phó trưởng đoàn Ca Múa Nhạc, Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam thì cho rằng, Hiến pháp sửa đổi là một như giải tỏa được được mối trăn trở bấy lâu nay của chị.

Là một nghệ sỹ công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ hơn 20 năm và có nhiều chuyến đi biểu diễn phục vụ khán giả ở khắp mọi miền Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến cuộc sống khát khao của những đứa trẻ ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận với chương trình biểu diễn nghệ thuật đã khiến chị Ánh nhiều đêm trăn trở. “Những hình ảnh ấy luôn thôi thúc tôi phải hành động để làm sao trẻ em phải được xem những chương trình nghệ thuật, phải được  thụ hưởng văn hóa nghệ thuật như những đứa trẻ khác”.

Chị Ánh cho rằng, dự thảo Hiến pháp đã giải tỏa đươc những trăn trở của chị, đặc biệt là nội dung trong Điều 44, Chương II quy định “Mọi người có quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa”.

Theo NSƯT Ngọc Ánh, Điều 44 đã đánh dấu bước tiến trong việc xác lập đầy đủ hơn về quyền con người phản ánh Hiến pháp không chỉ quan tâm đến vật chất an ninh, pháp luật mà còn quan tâm đến đời sống tinh thần của  mọi công dân trong xã hội Việt Nam. Mặt khác thể hiện ý thức duy trì bản sắc văn hóa, nâng tầm nhận thức xã hội và thụ hưởng văn hóa cho mọi công dân Việt Nam. Đồng thời là tiền đề hiện thực văn hóa bằng pháp luật về bản sắc văn hóa của người Việt nam.

“Nhưng để thực hiện được quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa cho mọi người thì Nhà nước cần đầu tư cho những đơn vị làm văn hóa, tạo điều kiện để  các đơn vị này phục vụ tốt nhất cho nhân dân, đưa Hiến pháp vào đời sống. Vì vậy, Điều 63 “Nhà nước phát triển an sinh xã hội đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ, công bằng, bền vững …” cũng nên chú trọng hơn đến an sinh cho văn hóa, vì văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển”- NSUT Ngọc Ánh đề nghị.

Cũng theo NSƯT Ngọc Ánh, văn hóa phải được chú trọng giáo dục toàn diện từ trong nhà trường như văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa thưởng thức nghệ thuật… để trở thành  nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ, nếp hành xử của mọi công dân về lĩnh vực văn hóa.

“Mọi người đã được bình đẳng đều có quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa, tiếp cận các giá trị văn hóa. Điều đó thể hiện tính ưu việt của chế độ và tính nhân văn của Hiến pháp”- Chị Ánh nói./.