Hôm 8/3, tại Hà Nội, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo chuyên gia góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cùng với nhiều chương, điều khác của Dự thảo, nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là Chương 5 - quy định về Quốc hội. Tại điều 74, hầu hết các đại biểu đồng tình cao với Dự thảo: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu ý kiến: “Chức năng nhiệm vụ của Quốc hội tất nhiên phải thể hiện được thế nào là sự dân chủ trực tiếp của nhân dân, thông qua quyền lực tối cao. Thế làm sao bây giờ để thể hiện điều đó, có tuyên ngôn nằm trong bản Hiến pháp về vấn đề này. Theo tôi quy định trách nhiệm chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Quốc hội, sau đó là đại biểu quốc hội. Vì đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí của nhân dân nên rất cần thiết.”
Về nội dung Quốc hội có quyền quyết định trưng cầu ý dân tại điều 75 của Dự thảo, một số đại biểu đề nghị, cần quy định rõ là trưng cầu ý dân về những vấn đề gì, kết quả của việc trưng cầu có giá trị như thế nào.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển đề nghị: “Vấn đề trưng cầu ý dân ở đây là những vấn đề gì cần phải được nói rõ. Những vấn đề nào trưng cầu dân ý thuộc quyền lập hiến. Quyền lập hiến phải ghi đầy đủ để hiểu đầy đủ. Ví dụ như vấn đề thông qua Hiến pháp, tách lập tỉnh. Đây là hai vấn đề được quy định rất rõ trong Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 phân biệt rất rõ quyền Lập hiến và quyền lập pháp.”/.