Hôm nay 6/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 ra văn bản về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết của Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Văn bản nêu rõ sau 2 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, các cơ quan, tổ chức, địa phương đã tập trung triển khai khẩn trương, đồng bộ, rộng khắp, đúng tiến độ kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đến toàn dân. Hầu hết các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo, ban hành kế hoạch và các văn bản triển khai việc lấy ý kiến nhân dân, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm để thảo luận, góp ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhiều nơi có cách làm mới, sáng tạo, có hiệu quả…
Theo báo cáo của các địa phương, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, cơ bản đồng tình với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp do Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp công bố; đồng thời, có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết. Ở một vài địa phương cũng đã phát hiện một số cá nhân lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Trong quá trình kiểm tra, các cơ quan, tổ chức, địa phương cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Vì vậy, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương tập trung làm tốt một số việc sau:
Về công tác chỉ đạo: Tiếp tục xác định việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là nhiệm vụ trọng tâm, cần được ưu tiên thực hiện nhằm tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội. Với tinh thần đó, đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Mỗi người có thể góp ý về toàn bộ nội dung Dự thảo hoặc từng chương, điều, khoản cụ thể mà mình quan tâm.
Về công tác thông tin, tuyên truyền: Cần có nhiều tin, bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng phân tích, làm rõ những nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với lập luận khoa học, thuyết phục, chặt chẽ; làm cho người dân nắm vững, hiểu đúng nội dung của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, từ đó bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Đồng thời, cần kịp thời đấu tranh, ngăn chặn việc lợi dụng góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để truyền bá những quan điểm sai trái, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Về công tác tổ chức lấy ý kiến: Tiếp tục có nhiều hình thức phong phú, thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân tham gia đóng góp ý kiến. Việc tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp phải đầy đủ, trung thực, khách quan.
Về thời gian lấy ý kiến nhân dân: Thời gian tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được Quốc hội quyết định bắt đầu từ ngày 02/01/2013 đến hết ngày 31/03/2013. Kết quả việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân theo thời hạn này sẽ được tập hợp, tổng hợp đầy đủ và kịp thời tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 năm nay và sẽ tiếp tục được chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 năm nay.
Kể từ sau ngày 31/03/2013 cho đến 30/09/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân và gửi về Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định./.