Để làm rõ hơn chủ quyền nhân dân, cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền XHCN, Dự thảo bổ sung 3 điều mới quy định về 3 thiết chế hiến định độc lập vào Chương X gồm Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

kiem%20toan%20nha%20nuoc.jpg

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan có vai trò quan trọng trong quản trị quốc gia, thông qua các hoạt động nghiệp vụ để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Với vị trí, chức năng quan trọng của cơ quan này, hiện nay đa số các nước trên thế giới đều có quy định trong Hiến pháp về cơ quan Kiểm toán Nhà nước, theo đó ở mức độ, liều lượng khác nhau nhưng đều ghi nhận quy tắc hoạt động độc lập và không chịu sự can thiệp từ các thiết chế quyền lực khác của Kiểm toán Nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu đó, Dự thảo đã quy định vai trò, địa vị pháp lý và chức năng của Kiểm toán Nhà nước để tăng cường vị thế và trách nhiệm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Đâylà cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, có chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính và tài sản quốc gia. Dự thảo chỉ quy định về việc Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước còn những vấn đề cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước sẽ do luật điều chỉnh.

Đóng góp ý kiến cho nội dung này, PGS.TS Đặng Văn Thanh - Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng, Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) chưa quy định hoạt động và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước. Trong Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này có hai Điều quy định về Kiểm toán nhà nước. Điều 75 chương V và điều 122 chương X. Điều 75, khoản 7 quy định: Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Tổng kiểm toán nhà nước. Điều 122 quy định: 1- Kiểm toán nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản l‎ý, sử dụng tài chính, tài sản công; 2-Tổng kiểm toán là người đứng đầu kiểm toán nhà nước, do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán do Luật định.

Tổng kiểm toán nhà nước chịu trách nhiệm và báo cáo kết quả kiểm toán, báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp chịu trách nhiệm và báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. 3-Tổ chức nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của Kiểm toán nhà nước do Luật định.

Theo ông Thanh: “Các quy định như vậy đã thể hiện quan điểm phát triển Kiểm toán Nhà nước thực sự trở thành công cụ quan trọng và đủ mạnh của Nhà nước thực hiện kiểm tra, kiểm kê, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân quỹ nhà nước, tài sản quốc gia, làm trọn vai trò hỗ trợ giám sát, kiểm soát quyền lực, đặc biệt các quyền lực trong huy động, tập trung, phân phối và sử dụng tài chính quốc gia, ngân quỹ nhà nướctrong nhà nước pháp quyền. Địa vị pháp lý của kiểm toán nhà nước đã được xác lập trong Hiến pháp, đạo luật cơ bản của Nhà nước”.

Vị trí của Kiểm toán nhà nước đã được xác lập trong hệ thống chính trị của Nhà nước Việt Nam, trong hệ thống quyền lực và bộ máy công quyền của nhà nước.

Tại Điều 75 đã chế định: Quốc hội bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm Tông kiểm toán nhà nước. Cho nên, theo ý kiến của ông Thanh, Điều 122 không cần nhắc lại chế định này, mà nhắc lại không đầy đủ bằng quy định tại Điều 75. Cần quy định rõ trách nhiệm và quyền của kiểm toán nhà nước trong quy trình quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trước hết là các quyết định của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về tài chính –ngân sách, đặc biệt là quyết định dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách.

Trước đó, trong các hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992, một số ý kiến cho rằng, nếu Tổng kiểm toán do Quốc hội bầu thì nhiệm kỳ của Tổng kiểm toán nên theo nhiệm kỳ của Quốc hội.

Bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội: Quốc hội cũng phải chất vấn cả Tổng kiểm toán.

Kiểm toán có vai trò rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, được  qui định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Nhưng hiện nay, địa vị pháp lý của Tổng Kiểm toán và cơ quan kiểm toán rất nửa vời. Hiệu lực của kết luận kiểm toán không cao vì không bắt buộc thực hiện. Chức vụ Tổng kiểm toán vừa do Quốc hội bầu nhưng nhân sự để bầu lại có sự thống nhất của Thủ tướng. Vì vậy, anh vừa phục vụ cho giám sát của Quốc hội, Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ, nhưng nhân sự của kiểm toán phải có sự thống nhất của Thủ tướng. Về mặt lý luận, điều này rất khó khăn cho hoạt động của tổng kiểm toán.

Một việc nữa, Tổng kiểm toán quan trọng như vậy nhưng chưa bao giờ chúng ta bố trí lịch để Tổng kiểm toán trình bày báo cáo về quyết toán ngân sách hàng năm trước Quốc hội theo khoản 2, điều 8 Luật Kiểm toán. Như vậy đại biểu Quốc hội rất lúng túng. Nhiều quốc gia, khi thảo luận về ngân sách người ta bố trí cho Tổng kiểm toán dự. Khi Tổng kiểm toán tham dự thì cũng phải được quốc hội chất vấn. Hiện nay chúng ta chưa qui định trong luật là Tổng kiểm toán là đối tượng bị chất vấn. Vì vậy, khi QH cần những số liệu về kiểm toán thì Ban công tác đại biểu chỉ trả lời là chỉ cung cấp thông tin thôi, còn Hiến pháp không qui định Tổng kiểm toán là đối tượng chất vấn, mặc dù được Quốc hội bầu. Tôi cho rằng, trong hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Luật kiểm toán phải sửa lại theo hướng nâng cao địa vị pháp lý của Tổng kiểm toán và kiểm toán Nhà nước, đưa ông này vào đối tượng bầu và chất vấn theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Sau đó, khi báo cáo về ngân sách hàng năm và thảo luận NS hàng năm, Tổng kiểm toán phải đứng lên trình bày về báo cáo kiểm toán NS hàng năm. Khi đại biểu QH thấy lúng túng, cần phải xác minh một cái gì đó thì cần phải có ý kiến của Tổng kiểm toán./.