Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng thành viên của Ủy ban; các chuyên gia, nhà khoa học thành viên Ban biên tập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, việc triển khai hoạt động sửa đổi Hiến pháp năm 1992  diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp những khó khăn, nhưng với tinh thần làm việc dân chủ, trách nhiệm, khẩn trương, nghiêm túc và khoa học, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy, ban hành các văn bản cần thiết; tổ chức lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân, của các vị đại biểu Quốc hội. Ngày 28/11/2013, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

cs43d_copy.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết hoạt động của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng thành công của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và nhiệt liệt biểu dương tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, khoa học, trách nhiệm cao của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp mới vừa đảm bảo kế thừa những tiến bộ trong bản Hiến pháp cũ đồng thời sửa đổi toàn diện các chương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Bản Hiến pháp thực sự là trí tuệ của toàn dân, thể hiện tập trung ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và theo tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Chúng ta tưởng như mâu thuẫn, nhưng nó lại thống nhất biện chứng với nhau. Rõ ràng khi chúng ta thông qua bản Hiến pháp không chỉ Quốc hội vỗ tay nhiệt tình. Nhiều người nói thiêng liêng, xúc động. Toàn dân phấn khởi. Đi tiếp xúc cử tri nhiều người thấy phấn khởi. Ra được Nghị quyết, Hiến pháp mới là bước đầu, nhưng quan trọng sắp tới nó vào cuộc sống như thế nào? Vì vậy, vấn đề triển khai Hiến pháp đi vào cuộc sống mới quan trọng, quan trọng hơn nữa”.

Nhấn mạnh đến ý nghĩa to lớn của việc triển khai thi hành hiến pháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục đảm bảo việc triển khai thi hành Hiến pháp;  bảo vệ Hiến pháp; hoàn thiện việc rà soát, sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Trung ương Đảng; các thành viên của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thành viên Ban Biên tập, Tổ Giúp việc, đồng bào cử tri trong và ngoài nước đã đóng góp cho thành công của bản Hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, việc thông qua Hiến pháp là sự kiện chính trị - pháp lý đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử lập hiến của nước ta; qua đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó. 

“Bài học sâu xắc nhất mà Ủy ban dự thảo rút ra đấy chính là tôn trọng đầy đủ khoa học, thực lòng quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng dự thảo Hiến pháp. Đồng thời, chúng ta đặt quá trình hoạt động của Ủy ban theo nguyên tắc tập trung dân chủ, cho nên đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không chỉ ở cấp trung ương mà còn cấp ủy ở địa phương trở thành trách nhiệm và sự lãnh đạo của cả hệ thống Đảng của chúng ta” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định, các thành viên của Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tùy theo cương vị công tác của mình sẽ tiếp tục nỗ lực đưa Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu quả trong cuộc sống./.