Ngày 11/12, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 này các biện pháp, các văn bản chỉ đạo việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi.

Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là một sự kiện chính trị - pháp lý có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. 
cong-bo-hien-phap.jpg
  • Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp
Với 11 chương, 120 điều, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thể hiện rõ hơn bản chất của Nhà nước ta là "Nhà nước dân chủ, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân". Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân. Hiến pháp cũng khẳng định sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp cũng tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Hiến pháp cũng quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiển sát nhân dân, mô hình tổ chức chính quyền địa phương....
Ngày 8/12/2013, Hiến pháp sửa đổi được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố./.