Chương 7 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được xây dựng trên cơ sở tiếp tục kế thừa các quy định của Chương 8 của Hiến pháp 1992 về vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Góp ý về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, ông Phạm Tuấn Khải - Vụ trưởng Vụ Pháp Luật cho rằng: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ là cơ quan thực hiện chức năng hành pháp và cơ quan hành chính cao nhất. Tuy nhiên, tính độc lập tương đối của Chính phủ trong mối quan hệ với các quyền lập pháp, quyền tư pháp chưa nổi bật.
Ông Khải đề nghị: “Chính phủ là cơ quan hoạt động năng động nhất trong các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Các luật, pháp lệnh được Quốc hội ban hành nhưng khi cần thì Chính phủ ban hành các Nghị định. Tính năng động của Chính phủ thể hiện ở chỗ đó, cho nên 8 nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cần phải tiếp tục nghiên cứu”.
Bà Hoàng Thị Ngân - Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính cho rằng: Hiện có ý kiến cho rằng chỉ xác định Hội đồng nhân dân là cơ quan đại diện, hay xác định Hội đồng nhân dân là cơ quan thuộc cơ cấu hành pháp.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính kế thừa và những bài học rút ra từ thực tế thí điểm vừa qua, bà Ngân nhất trí khẳng định Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương.
Bà Hoàng Thị Ngân cũng cho rằng, cần xác định rõ mối quan hệ giữa Chính phủ và Hội đồng nhân dân, bởi vì Hội đồng nhân dân vừa mang tính đại diện nhưng lại thực hiện các thẩm quyền mang tính hành pháp và cần khắc phục những hạn chế này.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng góp ý vào Điều 4, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương 2; Về quyền sở hữu đất đai; Chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát Nhân dân tại Chương 8…
Tất cả những ý kiến đóng góp tại Hội nghị sẽ được tổng hợp và gửi đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cùng ngày, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp 1992 và triển khai Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh, đây là vấn đề hệ trọng mà các cơ quan chức năng rất quan tâm khối văn hóa thể thao du lịch tham gia vào sửa đổi hiến pháp.
Thứ trưởng cho biết: Đến nay, Bộ đã tổng hợp được 40 báo cáo do các đơn vị cấp dưới gửi lên bằng văn bản và Bộ đang tiếp tục đề nghị các cơ quan thuộc lấy ý kiến để Bộ tổng hợp trước ngày 15/3 báo cáo lên Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp.
Nhận xét chung về dự thảo, đa số ý kiến của các đại biểu cho rằng dự thảo đã đảm bảo cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong cương lĩnh chính trị cũng như văn bản của Đảng trong Đại hội đảng lần thứ XI về sửa đổi Hiến Pháp năm 1992.
Dự thảo Hiến Pháp lần này có những nội dung mới như nhấn mạnh thêm yếu tố dân chủ, vai trò của nhân dân được khẳng định hơn trong vấn đề kiểm soát và giám sát.
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để đóng góp vào lĩnh vực văn hóa, thể thao-chuyên ngành của mình./.