Không chỉ Hiến pháp năm 1992 mới có quy định đầy đủ và toàn diện các nguyên tắc cơ bản cũng như các nội dung cụ thể về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên các lĩnh vực. Mà chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có vị trí đặc biệt quan trọng và được ghi nhận trong các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980.
Đi liền với việc ban hành Hiến pháp, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo thực thi các quyền và tự do của con người, công dân.
Trong Hiến pháp sửa đổi lần này, các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân vẫn là vấn đề nhận được sự quan tâm nhất của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước.
Theo đánh giá của ông Trần Văn Dũng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cũng như của nhiều người quan tâm đến vấn đề này thì quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân được sửa đổi theo hướng ngắn gọn, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước trong đảm bảo thực thi quyền con người, quyền công dân. Dự thảo Hiến pháp chỉ quy định những quyền và nghĩa vụ cơ bản nhất thuộc về mọi người, mọi công dân; phân biệt quyền con người và quyền công dân; quy định một cơ chế pháp lý bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng khẳng định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được bảo đảm thực hiện chủ yếu bằng luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật của Quốc hội.
Nguyễn Thị Trúc Phương là một người thuộc giới tính thứ ba cho biết bạn luôn mong mỏi được xã hội thừa nhận và được tự do kết hôn với người mà bạn yêu thương. (Ảnh: nhân vật cung cấp trên VNE) |
Tuy vậy, khi bàn đến một khía cạnh khác trong quyền con người là quyền bình đẳng giới trong hôn nhân không ít người cũng đặt câu hỏi về tính bao quát, khả thi của Hiến pháp sửa đổi trong tình hình thực tế hiện nay. Đó là vấn đề cộng đồng người đồng tính, song tính và dị tính đang đặt ra những vấn đề thời sự cần được giải quyết trên mọi phương diện xã hội, trong đó có cả việc bảo vệ quyền lợi cho họ dưới khía cạnh pháp lý.
Chế độ hôn nhân và nguyên tắc hôn nhân tại Điều 39 của Dự thảo (sửa đổi, bổ sung Điều 64 Hiến pháp năm 1992 quy định:
“Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
Thạc sĩ Hà cho rằng, từ nay, hôn nhân đồng giới vẫn chưa được thừa nhận ở Việt Nam. Nếu theo những quy định trong dự thảo Hiến pháp, thì hôn nhân đồng giới tiếp tục sẽ không được thừa nhận. Quan điểm này xuất phát từ quan điểm truyền thống về khái niệm “giới”.
Theo Thạc sĩ Hà, “so sánh với nhiều quốc gia trên thế giới, thì đây là một thiếu khuyết trong quan điểm về giới cũng như dưới góc độ bảo vệ quyền con người. Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng: “Khái niệm gia đình có thể khác biệt trong vài khía cạnh, giữa các quốc gia, và ngay cả giữa các tôn giáo, và vì thế không thể đưa ra một định nghĩa chuẩn mực chung”. Điều này cho thấy quan niệm khá mở về “gia đình” của Liên Hợp Quốc, dựa trên thực tế phát triển đa dạng của xã hội, trong đó có vấn đề về giới và giới tính thứ ba”.
Thạc sĩ Hà cũng cho rằng, nếu được thừa nhận, thì đây sẽ là một cuộc cách mạng lớn trong quan điểm về giới và bình đẳng giới ở Việt Nam, ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ xã hội, bao gồm cả các quan niệm đạo đức truyền thống.
Tuy nhiên, dưới khía cạnh quyền con người, việc thừa nhận hôn nhân đồng giới không chỉ nhằm củng cố cơ chế bảo đảm bình đẳng giới, mà còn bảo đảm sự bình đẳng về quyền con người, quyền công dân, sự tiếp thu những quan điểm tiến bộ và nhân đạo, nhân văn chung của nhân loại. Trên thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp gia đình có “bố mẹ” đồng giới và bảo đảm được môi trường nuôi dạy con cái bình thường không thua kém, thậm chí tốt hơn nhiều gia đình theo quan niệm truyền thống.
“Những người thuộc giới tính thứ ba cũng có tâm hồn và khao khát chính đáng về cuộc sống riêng tư. Cần có sự thừa nhận về hôn nhân đồng giới, trước tiên được ghi nhận ở Hiến pháp”- Thạc sĩ Hà đề nghị.
Nhà báo Nguyệt Minh, báo Thanh Niên cũng phân tích từ thực tiễn xã hội nhiều năm qua, đặc biệt những năm gần đây có nhiều người có nhu cầu chuyển đổi giới tính, từ nam thành nữ và ngược lại. Dự báo trong tương lai, xu hướng chuyển đổi giới tính ngày một nhiều. Nếu chỉ quy định nam, nữ có quyền kết hôn thì không bao quát đủ nhu cầu mọi giới trong xã hội về quyền được kết hôn, lập gia đình chính đáng.
“Nên sửa nội dung quy định tại Điều 39 thành: “Mọi công dân Việt Nam trên 18 tuổi đều có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Có như vậy mới bảo đảm sức sống lâu dài của Hiến pháp cũng như bảo đảm tôn trọng quyền lựa chọn giới tính, quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân của mỗi công dân”- Nhà báo Nguyệt Minh bày tỏ./.