Thảo luận tại hội nghị lấy ý kiến các Chủ tịch Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố góp ý cho dự thảo Hiến pháp sửa đổi, các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

anh.jpg

Liên quan đến quy định tại Điều 6, các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã làm rõ, đầy đủ hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà không chỉ thông qua Quốc hội, HĐND như Hiến pháp hiện hành.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị, cần bổ sung quyền đại diện của MTTQ và các đoàn thể nhân dân xuất phát từ chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân của MTTQ. Vai trò MTTQ đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ là rất lớn.

Về Điều 6, ông Võ Lê Tuấn, Chủ tịch MTTQ tỉnh Long An đề nghị bổ sung “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” vì vai trò MTTQ đại diện nhân dân thực hiện các quyền dân chủ là rất lớn.

Vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị và trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội là cũng là nội dung được nhiều đại biểu tập trung góp ý.

Các ý kiến cho rằng, cần khẳng định trong Hiến pháp: MTTQ là một bộ phận của hệ thống chính trị và làm rõ nội dung giám sát, phản biện xã hội của MTTQ vì giám sát và phản biện xã hội có phạm vi, lĩnh vực và đối tượng khác nhau, nên tách riêng mà không gộp chung một khoản như trong dự thảo.

Theo các đại biểu, khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân là thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng giữa các thành viên trong hệ thống chính trị. Giám sát và phản biện xã hội phải có định chế mạnh mẽ và có văn bản dưới luật quy định. 

Ông Lương Anh Tế, Chủ tịch MTTQ tỉnh Hải Dương cho rằng, cần bổ sung MTTQ tham gia xây dựng Đảng, thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các tổ chức Đảng, Đảng viên. Nội dung này phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng là MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Đảng và giám sát hoạt động của các tổ chức Đảng và Đảng viên, phù hợp với việc Bộ Chính trị chuẩn bị ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội” và ban hành cơ chế để MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dùng và từ ngữ cụ thể trong bản Hiến pháp sửa đổi./.