Sáng nay, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022, với nhiều thông tin đáng chú ý, khẳng định nỗ lực phục hồi kinh tế sau những tác động đa chiều từ đại dịch. Tình hình xuất siêu tốt, kiềm chế lạm phát tốt, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng… VOV phỏng vấn bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê để làm rõ các nội dung cụ thể.
PV:Thưa bà, từ số liệu thống kê được Tổng cục Thống kê nhìn nhận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng qua có gì nổi bật?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Hầu hết các ngành và lĩnh vực có nhiều điểm khởi sắc. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi phát triển ổn định, khai thác gỗ đạt khá, nuôi trồng thủy sản tăng trưởng cao do giá cá tra, tôm xuất khẩu tăng; tổng số bò, lợn, gia cầm; sản lượng khai thác gỗ và sản lượng nuôi trồng thủy sản 7 tháng tăng rất khá.
Sản xuất công nghiệp tháng 7 ước tăng 11,2 % so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng 2022 tăng 9,7%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm có mức tăng trưởng rất cao và cao hơn cả mức so với thời điểm trước khi dịch xảy ra; các hoạt động thương mại dịch vụ sôi động và có mức tăng mạnh so với cùng kỳ. Tính chung 7 tháng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động về vận tải hành khách cũng tăng cao. Một điểm nữa là khách quốc tế đến Việt Nam tính chung 7 tháng đạt 954.600 lượt người gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các hoạt động xuất - nhập khẩu tiếp tục duy trì ở mức cao với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa 7 tháng đạt 432,22 tỷ USD tăng 15,7 % so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng ước xuất siêu là 743 triệu USD. Kinh tế Việt Nam hồi phục khá nhanh nên số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tiếp tục tăng cao, 7 tháng đạt gần 133.700 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 94.600 doanh nghiệp tăng 18,7 %. Điểm nữa là vốn đầu tư tăng rất cao so với cùng kỳ, trong đó vốn từ nguồn ngân sách nhà nước ước tăng 11,9 % còn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng 11,6 tỷ USD - là giá trị cao nhất giai đoạn 2018-2022. Lạm phát dù cũng tăng cao nhưng vẫn được kiểm soát tốt.
PV: Trong số đó, bà có thể phân tích: những lĩnh vực, ngành nghề nào có tốc độ phục hồi tăng trưởng mạnh nhất và dự báo có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Ngành công nghiệp vẫn là ngành động lực. Hoạt động thương mại cũng tiếp tục sôi động vì đời sống đã trở lại bình thường và người dân đi lại thông thương, kích cầu du lịch của chúng ta cũng rất mạnh, nên ngành thương mại dịch vụ du lịch sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Xuất - nhập khẩu của chúng ta cũng vẫn tiếp tục được duy trì - hỗ trợ rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
PV: Từ mức tăng GDP thời gian qua, các chuyên gia thống kê nhận định như thế nào về mục tiêu tăng trưởng 2022 đã được Quốc hội đề ra?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Với tăng trưởng 6 tháng năm 2022 là 6,42 % so với cùng kỳ năm trước thì với đà tăng trưởng này cùng với rất nhiều chính sách về các gói phục hồi và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội sẽ có tác động và kinh tế chủ yếu là trong 6 tháng cuối năm và khi đó kinh tế quý 3 này sẽ có tốc độ tăng trưởng cao. Vì quý 3 năm trước chúng ta tăng trưởng âm hơn 6%. Quý 4 chúng ta cũng không có biến cố lớn thì dự báo kết quả tăng trưởng năm nay sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đặt ra hoặc là có thể vượt.
PV: Theo bà, đâu là rào cản, thách thức lớn nhất, đối với nỗ lực tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong giai đoạn còn lại của năm khi bảng số liệu mới cho thấy 1 số chỉ số đáng chú ý như: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,4% so với tháng trước; bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ trước và lạm phát cơ bản tăng 1,44%?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Có rất nhiều thách thức, đặc biệt với giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào tăng rất cao thì nó sẽ có độ trễ và sẽ tác động đến chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân và đặc biệt là giá xăng dầu. Mặc dù gần đây cũng có chiều hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này cũng sẽ ảnh hưởng mặt bằng giá các mặt hàng quan trọng như là giá xăng, giá vận tải, các vật tư cho nông nghiệp, các vật liệu xây dựng và giá lương thực, thực phẩm tăng và những tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và lạm phát của Việt Nam.
Bối cảnh quốc tế, xung đột chính trị Nga và Ukraine vẫn chưa có điểm dừng và lạm phát các nước tăng cao. Dự báo về kinh tế thế giới toàn cầu suy giảm. Khó khăn của thế giới cũng sẽ tác động đến tăng trưởng. FED tăng mạnh lãi suất đồng USD cũng là một áp lực lên lạm phát và nợ công của Việt Nam.
PV: Từ nhận định đó, theo Tổng cục Thống kê, những giải pháp nào cần được tập trung triển khai thời gian tới, để tiến trình phục hồi đạt hiệu quả nhanh hơn và bền vững?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Thứ nhất là vẫn tập trung đảm bảo an toàn, an sinh cho nhân dân; chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như thiên tai. Thứ hai, kiểm soát lạm phát và đảm bảo nguồn cung lương thực năng lượng và các mặt hàng thiết yếu, theo dõi chặt chẽ biến động giá cả trong nước và quốc tế; chủ động điều hành linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô cũng như ổn định tỷ giá mặt bằng lãi suất; bảo đảm cân đối hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cần phải đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Khơi thông sản xuất trong nước cũng như là xuất khẩu; thứ năm kích cầu tiêu dùng nội địa.
PV: Một con số khác được dư luận quan tâm: bình quân mỗi tháng có hơn 19.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động; ngược lại, có 13.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Tổng cục thống kê có khuyến nghị gì với riêng cộng đồng doanh nghiệp, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao, xu hướng tăng trưởng chậm lại, "xung đột" địa chính trị quốc tế là bất định, khó lường, tác động kinh tế toàn cầu, Việt Nam không ngoại lệ?
Bà Đỗ Thị Ngọc: Đúng là chúng ta có rất nhiều tình huống có thể xảy ra. Doanh nghiệp cần chủ động đầu vào và đầu ra; cải cách về quản lý và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Bên cạnh đó, những chính sách của Nhà nước đã rất cố gắng dùng các biện pháp để nhanh chóng bình ổn giá xăng dầu và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tôi nghĩ là cũng cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu hay hỗ trợ thuế, lệ phí xuất - nhập khẩu. Tiếp tục vận động người lao động quay lại làm việc để góp phần vào quá trình kinh tế.
PV: Xin cảm ơn bà!