Ttiềm năng của thị trường xuất khẩu lao động Đài Loan (Trung Quốc) khá lớn. Thế nhưng, đang xảy ra nghịch lý là thay vì có thể dễ dàng tuyển chọn và đưa lao động sang làm việc tại Đài Loan, nhiều doanh nghiệp lại đang gặp khó khăn trong tìm kiếm nguồn lao động.

vov_lao_dong_2_ifbx.jpg
Lao động Việt Nam vẫn bị thu phí cao hơn quy định.

Một trong những nguyên nhân là do nhiều lao động bị công ty cung ứng và môi giới thu phí cao hơn quy định trước khi đi dẫn đến tình trạng khiếu kiện, khiếu nại, ảnh hưởng đến uy tín và chất lượng thị trường. Cùng với đó là tình trạng lao động bỏ trốn tại thị trường này gia tăng trở lại.

Sau 17 năm xuất khẩu lao động sang Đài Loan, chưa bao giờ tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp tại thị trường này lại ở mức đáng lo ngại như hiện nay. Năm 2015, trung bình mỗi tháng có 1.000 lao động bỏ trốn. Trong đó, 70% đến 80% là những lao động sắp hết hạn hợp đồng, bỏ trốn ra ngoài với mục đích muốn ở lại và kiếm thêm thu nhập.

Bỏ trốn cũng đồng nghĩa trở thành lao động phi pháp nên những rủi ro mà người lao động gặp phải là không thể tránh khỏi. Thực tế, đã có nhiều lao động bỏ trốn phải sống chui lủi nơi xứ người; do phải trốn tránh cơ quan chức năng sở tại, nhiều người không dám đi khám bệnh lúc ốm đau và đương nhiên sẽ không được nhận các chế độ bảo hiểm, đến khi hối hận thì đã bị trục xuất về nước.

Ông Phan Hồng Lân, Cục trưởng Cục Lao động thành phố Đào Viên (Đài Loan) dẫn chứng: Hiện Đào Viên có 96 nghìn lao động nước ngoài đến làm việc, trong đó lao động Việt Nam chiếm 30%, với 29 nghìn người. Tuy nhiên tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn luôn ở mức cao. Năm 2015, chiếm 1/2, năm nay con số tăng lên chiếm 2/3 trong tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại Đào Viên. "Muốn giảm thiểu lao động bỏ trốn, không chỉ là đơn phương mà chỉ có thể song phương hợp tác thì chúng ta mới có thể giảm được” - ông Phan Hồng Lân nói.

Lao động bỏ trốn có nhiều nguyên nhân, trong đó có chế tài xử phạt đối với lao động bỏ hợp đồng chưa khả thi. Trong khi đó, ý thức kỷ luật và việc tuân thủ hợp đồng của chính người lao động còn yếu nên dễ bị một số đối tượng xấu lôi kéo, dẫn dắt bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc với hứa hẹn có mức lương cao hơn và đã trở thành lao động phi pháp.

Anh Nguyễn Văn Tuấn cho biết nhiều lao động Việt Nam phải trả phí cao hơn quy định khi đi làm việc tại Đài Loan.

Bên cạnh đó, do hiện nay nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp của thị trường Đài Loan rất lớn, nhưng chính sách của bạn lại chưa cho phép tiếp nhận loại hình lao động này, nên nhiều lao động đã bỏ trốn lên núi trồng rau, trồng nấm, hái chè… trong khi chủ sử dụng lao động lại che giấu và dễ dãi trong việc tiếp nhận lao động bỏ trốn.

Cùng với đó là lộ trình giảm phí cho lao động đi làm việc tại Đài Loan đã được thực hiện từ năm 2012, nhưng hiện nay bị đánh giá là chưa phù hợp với thực tế thị trường. Do chất lượng lao động Việt Nam còn thấp so với lao động các nước cùng làm việc tại Đài Loan, nên chi phí quản lý đối với lao động Việt Nam luôn cao hơn các nước, vì vậy các công ty môi giới luôn gây sức ép, thu phí cao từ phía doanh nghiệp và người lao động Việt Nam.

Một nguyên nhân quan trọng khác không thể không kể đến, đó là tình trạng doanh nghiệp thu phí sai quy định của người lao động. Nhiều lao động cho biết, họ phải trả phí cao trước khi đi, nhưng công việc và mức lương thực tế tại Đài Loan lại không như mong đợi, không được như hứa hẹn.

Theo quy định, hiện mức phí của lao động đi làm việc ở Đài Loan là 4.000 đôla, song trên thực tế, nhiều lao động phải chịu mức phí cao hơn nhiều trước khi xuất cảnh.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, ở Cửa Lò, tỉnh Nghệ An có 7 năm làm việc tại Đài Loan cho biết: “Em đi năm 2009, năm đấy đang khủng hoảng nên ít người đi lắm em chỉ hết có 4.500 đô la thôi. Sau này có người đi hết 6.500 đến 7.000. Còn người mức thấp nhất là 5.500. Như em giới thiệu cho em trai của em sang đây hết 5.500.

Hiện giờ thì anh em, bạn bè của em cũng muốn sang Đài Loan nhiều, mà thấy ai đi ra công ty ở Hà Nội công ty cũng đòi 6.000-6.500, ít nhất cũng phải 5.800-5.500 đô la”.

Lý giải về tình trạng này, bà Trần Lan, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu thương mại hợp tác nhân lực quốc tế Việt Nam (Vinaincomex)-đơn vị có 15 năm đưa lao động sang Đài Loan làm việc cho rằng: “Mức phí là theo thị trường, bởi chúng tôi nghĩ người lao động muốn đi bất kỳ thị trường nào chứ không riêng Đài Loan.

Chúng tôi tính tầm 8 đến 10 tháng người lao động phải hoàn vốn. Đấy là tiêu chí chúng tôi đặt ra. Tôi đã làm bài toán: Nếu người lao động đi với phí 4.000 đô la nhưng không có làm thêm, so với người lao động đi với phí 4.500 đô la mà mỗi ngày có 2 tiếng làm thêm thì người lao động có lợi rất nhiều. Nó chỉ tăng lên 500, mà nếu mà nói 500 đấy mà là sai luật thì đúng là sai luật, vì sai 1 đô cũng là sai, nhưng nếu mà nhìn vào mặt tích cực của nó lại không như thế.

Mặc dù không phải tất cả lao động phải chịu mức phí cao hơn quy định khi đi làm việc ở Đài Loan và cũng có nhiều lao động cho biết sẵn sàng bỏ ra mức phí cao nếu thị trường này luôn có nhiều giờ làm thêm.

Thế nhưng, rõ ràng tình trạng doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm túc quy định về tuyển chọn và đào tạo lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; cạnh tranh không lành mạnh, chụp giật, thu phí cao của người lao động để chi trả tiền cho môi giới cao nhằm giành đơn hàng đang ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động chung, gây sức ép tài chính với người lao động và khiến những doanh nghiệp chân chính chịu thiệt thòi.

Lao động Việt Nam làm việc ở Đài Loan.

Để xảy ra tình trạng này còn do người lao động chưa thực sự hợp tác với cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp hoặc khai báo thông tin về việc bị thu phí cao hơn quy định, chỉ đến khi phát sinh vấn đề tại Đài Loan mới khiếu kiện. Sẽ không có lao động bỏ trốn, lao động bất hợp pháp nếu không có chủ sử dụng phi pháp. Sẽ không có lao động phải trả phí cao nếu không có môi giới đòi và nhận phí cao, trong khi và vai trò giám sát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này chưa thực sự hiệu quả.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam phân tích thực tế này: Vướng nhất hiện nay vấn là vấn đề phí, nhưng có điều trong khiếu nại của người lao động hiện nay có chuyện lúc đi thì anh đồng ý, nhưng sang Đài Loan có người tuyên truyền thì anh khiếu nại.

“Tôi biết là cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã kiểm tra tại sân bay xem phí người lao động là bao nhiêu và họ vẫn nói đúng với phí đã ký với doanh nghiệp. Đây là cái còn tồn tại và muốn gỡ được phải có bước đi, có lộ trình, chứ ngay một lúc dẹp ngay thì mình sẽ mất thị trường. Phải làm sao đừng làm hỏng, đừng để mất thị trường này, bởi vì rất nhiều người lao động hưởng ứng, mặc dù ở đây gọi là phí cao nhưng vẫn còn có thu nhập, lao động vẫn muốn đi”, ông Trào nói.

Để giải quyết rốt ráo tình trạng lao động bỏ trốn và nạn thu phí cao của người lao động cần giải pháp phối hợp hữu hiệu từ hai phía./.