Simon Kendall - diễn giả đến từ BBC World Service tại Hội nghị Phát Thanh Châu Á (RadioAsia 2013) cho rằng, cần phải phát triển các dịch vụ radio Internet để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thính giả.

Nội dung thông tin truyền tải qua các phương tiện truyền thống dường như chưa đủ thỏa mãn nhu cầu của thính giả, đặc biệt là giới trẻ vốn quen với tiện ích và các ứng dụng trên các thiết bị cầm tay như điện thoại, máy tính, Ipad...

Chính vì vậy, chuyên gia của BBC cho rằng, âm thanh và hình ảnh trực tuyến sẽ giúp ngành phát thanh “lôi kéo” thính giả thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong kỷ nguyên số.

Theo Simon Kendall, chất lượng âm thanh trực tuyến kèm theo hình ảnh minh họa là yếu tố quyết định trong việc tăng lượng truy cập vào các trang âm thanh trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đang thay đổi nhanh chóng.

radio-digital.jpg

Kendall cho biết hiện nay không nhiều thính giả nghe các chương trình phát thanh theo cách truyền thống giống như họ vẫn thường nghe cách đây vài năm.

Ông trích dẫn một cuộc khảo sát mới đây cho thấy khoảng 80% thính giả của BBC sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị tương tự như máy tính bảng hay Ipad.

Vì vậy, theo ông Kendall các đài phát thanh nên tận dụng cơ hội cập nhật công nghệ và đa dạng hóa dịch vụ trên mạng Internet nhằm thu hút bạn nghe đài.

Thính giả trẻ chiếm phần lớn dân số, vì thế việc duy trì một tỷ lệ phần trăm cao là điều cần thiết cho sự sống còn của đài phát thanh, Kendall nhấn mạnh.

Các đại biểu tại Hội nghị Phát thanh Châu Á 2013 cho rằng sự phát triển mạnh của Internet và thiết bị di động đang đòi hỏi phát thanh truyền thống tại Việt Nam đổi mới công nghệ, chất lượng nội dung, tương thích với thiết bị số cá nhân hiện đại… để có thể “giữ chân” được thính giả.

Theo các chuyên gia, đài phát thanh đang đứng trước nguy cơ mất dần thính giả trẻ bởi thời gian họ dành cho việc nghe radio qua sóng FM, AM thấp hơn so với loại hình giải trí qua tivi và Internet.

Dù vậy, đó không phải là hoàn toàn đáng báo động, bởi trong thực tế nhiều đối tượng đã chuyển sang nghe radio qua mạng Internet, sử dụng thiết bị cá nhân di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh để thu tín hiệu qua Wi-Fi, 3G.

Để tăng cường tính cạnh tranh, ngành phát thanh truyền thống cần phải thay đổi, sáng tạo để thích ứng với thời đại số hóa. Tuy nhiên, vấn đề số hóa phát thanh tại Việt Nam vẫn còn là bài toán khó do điều kiện kinh tế, xã hội, công nghệ máy thu…

Năm 2005 Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) đã thử nghiệm thành công phát thanh số theo chuẩn DRM, năm 2009 là HD Radio. Và mới đây VOV cũng đã tiến hành thử nghiệm phát thanh số theo chuẩn tiên tiến DAB+ (Digital Audio Broadcasting), cho chất lượng âm thanh cao hơn so với phát analog truyền thống…

Phát thanh trên Internet giúp khắc phục nhiều hạn chế của phát thanh truyền thống bởi các chương trình không bị đóng khung trong một khung giờ cố định và trong một không gian nhất định. Với phương thức trực tiếp hoặc lưu trữ lên internet sẽ giúp khán, thính giả tiếp cận được chương trình bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. 

Tận dụng lợi thế này, Báo điện tử VOV đã cập nhật các chương trình phát thanh mới nhất, hấp dẫn nhất của Đài TNVN, đồng thời phát trực tiếp chương trình của các hệ phát thanh VOV để thu hút ngày càng đông bạn nghe đài trong và ngoài nước./.