Tại cuộc họp báo thường kỳ quý I của Bộ Tư pháp sáng 8/4, ông Nguyễn Công Khanh - Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp), cho biết: Năm 2008, một trong những điểm bất cập lớn mà Bộ Tư pháp xác định là tình trạng không rõ ràng về quốc tịch của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Trong số hơn 4,5 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, hiện chưa có thống kê số người vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, số người đã mất quốc tịch Việt Nam, số người đã có quốc tịch nước ngoài nhưng chưa mất quốc tịch Việt Nam…

untitled-1.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo

Cũng theo ông Khanh, từ năm 2009, khi hướng dẫn việc đăng ký giữ quốc tịch này, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác đều dự báo số người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam chắc chắn sẽ không nhiều. “Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, hiện mới có trên 6.000 người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam nhưng không rõ trong số này ai đang có và chưa có quốc tịch nước ngoài”.

Ông Khanh cho biết Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan đang tập trung nghiên cứu và đưa ra mọi phương án, từ việc sửa luật tới kéo dài thời gian đăng ký... “Kết quả thì phải chờ đến chiều 17/4, Bộ trưởng Hà Hùng Cường họp với các bộ, ngành liên quan để thống nhất phương án trình xin ý kiến Chính phủ và Quốc hội” - ông Khanh nói.

Giải pháp tối ưu trước mắt, theo vị cục trưởng này là xin phép Quốc hội gia hạn thời gian đăng ký giữ quốc tịch.

Theo quy định của Luật Quốc tịch 2008, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì trong vòng 5 năm kể từ ngày luật có hiệu lực phải thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại. Hết 5 năm (qua thời điểm 1/7/2014) mà không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch Việt Nam./.