Vĩnh Hanh - làng Chăm thuộc xã Phú Trị, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận là vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử, với nhiều di tích cổ liên quan đến vương triều Champa nổi tiếng vì chiến trận. Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Ngày nay, con cháu vua Champa cần mẫn làm lụng trên mảnh đất của cha ông để lại trong không khí yên bình.
Người Chăm Vĩnh Hanh nhiều năm nay duy trì nghề trồng rau cung cấp ra thị trường. Cái nghề tưởng đơn giản này hóa ra lại mang tới cho họ nguồn thu nhập không nhỏ, nhất là vào dịp Tết.
Bà con nông dân chăm sóc cánh đồng rau sạch |
Vĩnh Hanh đang vào vụ rau đông xuân. Thị trường Tết hứa hẹn hút hàng khiến bà con Chăm dồn sức vào lo chăm sóc rau. Rau ở đây được tưới đủ nước lên xanh mơn mởn. Cả làng như lùi vào trong nhường cho các vạt rau vươn ra với hàng chục mẫu diện tích gieo trồng. Đủ các loại rau, từ rau ăn quả như cà chua đến các loại rau rau ăn lá như hành, ngò, tần ô, rau muống…
Hai vợ chồng anh Lựu Ngừ - Mai Thị Chính đang chăm sóc vạt rau húng quế tươi cười chào đón chúng tôi. Chị Chính cho biết: 5 sào rau các loại của hai vợ chồng chị trung bình 1 tháng thu hoạch 2 lần; nếu thời tiết tốt, mát trời chỉ khoảng hơn 1 tuần là thu hoạch. Thích nhất là trồng rau ngò (mùi), vừa rồi 1 sào trúng giá chị bỏ túi 11 triệu đồng. Rau sạch rất hút khách vào dịp Tết này, chắc vào Tết sẽ có giá cao hơn, bà con làm rau có thêm thu nhập.
Trời cho Vĩnh Hanh nguồn đất trồng tốt quá. Đất ở đây màu nâu đỏ như đất phù sa sông, tơi xốp, phù hợp với các loại rau, củ. Nhận thấy ích lợi của việc trồng rau xanh, mấy năm nay bà con Chăm Vĩnh Hanh nói riêng, xã Phú Lạc nói chung đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa, dừa, điều là chủ yếu sang trồng rau màu, các loại cây chịu hạn.
Tết này, các hộ dân trồng rau phấn khởi vì rau cho thu nhập cao |
Bà con đầu tư làm giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới, không phụ thuộc vào nguồn nước từ đập Đại Ninh như trước. Không những thoát được cảnh thiếu nước mà còn tìm ra được hướng đi mới trong làm ăn. Ngày thường rau tiêu thụ đã nhiều, nhưng đến dịp Tết cổ truyền, nhu cầu về rau tăng cao, người Chăm Vĩnh Hanh thêm hối hả mở rộng vườn rau của mình.
Gia đình anh Mai Đình Tý ở kế bên nhà hai vợ chồng anh Lựu Ngừ - Mai Thị Chính cũng đang khẩn trương làm đất để trồng vụ hành mới. Anh Tý nói:“Đây một sào hai, đây là mùa Tết, thời tiết lạnh nên thời gian trồng hơi kéo dài một chút, một tháng 10 ngày. Đầu tư giống gần 40.000 đồng một kg. Với diện tích này khi thu hoạch sẽ được khoảng 50kg. Cũng hy vọng trong dịp Tết này sẽ bán được giá, để có tiền đi chơi Tết với anh em, bà con”.
Người trân trọng đất, đất không phụ người. Nghề trồng rau mang lại thu nhập khá và ổn định khiến bà con trồng rau ở Vĩnh Hanh đều an tâm phát triển nghề. Hai vợ chồng anh Lựu Ngừ - Mai Thị Chính cho biết đã chuyển hẳn sang trồng rau theo tiêu chuẩn rau sạch mà ngành nông nghiệp huyện phát động.
Cái hay là rau sạch vốn đầu tư thấp mà lợi nhuận lại cao. Này nhé, 1 kg giống có gần 7.000 ngàn đồng, cộng với tiền mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của ngành nông nghiệp, vị chi tổng cộng là gần 1 triệu đồng, nhưng tiền thu về sau thu hoạch lên tới hàng chục triệu đồng.
Hỏi anh chị thu hoạch tổng cộng một năm được bao nhiêu, anh chị nhìn nhau cười và hé cho chúng tôi biết khoảng hơn trăm triệu. Đó là con số khiêm tốn, vì tính sơ sơ, trung bình mỗi tháng thu nhập từ vườn rau khoảng 20 triệu thì 1 năm hai anh chị bỏ túi đã hơn 200 triệu đồng rồi. Chả thế mà ngoài cơ ngơi khang trang, anh chị còn nuôi 3 đứa con ăn học, 2 cháu đỗ đại học về làm việc ngay tại huyện nhà, còn một cháu út đang học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cách làm ăn của bà con Vĩnh Hanh đã trở thành một hiện tượng không chỉ của huyện Tuy Phong mà còn của cả tỉnh. Ông Phạm Hữu Thủ, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận nhận xét: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều mô hình triển khai rau an toàn thành công, trong đó có thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc hay thị trấn Phú Long của huyện Hàm Thuận Bắc. Qua đó thu nhập bà con nâng lên, góp phần giải quyết rau an toàn khiến dư luận bức xúc thời gian vừa rồi. Trong thời gian tới, chúng tôi chỉ đạo Phòng nông nghiệp huyện, các Trạm khuyến nông tập trung nhân rộng mô hình này”.
Nhiều con cháu làng Vĩnh Hanh làm ăn xa quê trở về cũng như du khách đến nơi này đều ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của Vĩnh Hanh - Phú Lạc. Đường đi lối lại ở đây được trải nhựa, bà con nào cũng có nhà ngói, nhà tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi như xe máy, tivi, thậm chí một số nhà còn có cả xe ô tô…
Mùa xuân đến mang lại ngọn gió mát lành cho bà con Chăm, như dòng nước tưới ngọt ngào lan tràn trên vườn ruộng để cây rau, cây bắp… đâm chồi nảy lộc. Rời Vĩnh Hanh, nhưng những đọt xanh, nhành non mơn mởn của các vạt rau xanh cứ quấn lấy người đi, như muốn nói thầm điều gì. Chắc chúng muốn nói đến ước mơ của bà con Chăm về một cuộc sống an bình, có của ăn của để, con cháu chăm ngoan.
Để rồi mỗi khi Xuân về Tết đến, người làng Chăm Vĩnh Hanh lại rộn ràng tấu lên các loại nhạc cụ như trống Ghi năng, trống Paranưng, kèn Saranai trong lễ hội tưng bừng tháp PôDam, tháp PôkaBrah trên mảnh đất quê hương./.