Với người Việt Nam, bữa cơm gia đình là nơi tụ họp, gắn kết các thành viên lại gần nhau, không chỉ góp phần hình thành nề nếp gia phong mà còn góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhịp sống gấp gáp thời hiện đại đang làm những bữa cơm gia đình truyền thống sum vầy thiếu vắng dần trong mỗi gia đình, nhất là những gia đình trẻ ở thành thị. Nhưng tùy hoàn cảnh, điều kiện nếu có ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình thì mọi người vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình ấm áp và hạnh phúc.

gia_dinh_11_rvri.jpg
Trong cuộc sống hiện đại, bữa cơm có đầy đủ các thành viên trong gia đình trở nên thưa dần (Ảnh: Đỗ Hưng)

Xây dựng gia đình 15 năm nay nhưng ngày nào vợ chồng chị Nguyễn Thanh Hà, ở quận  Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng cố gắng duy trì ít nhất một bữa ăn có đầy đủ các thành viên trong gia đình. 

Hai vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, còn hai con thì học bán trú nên cả nhà chỉ có bữa tối là được sum vầy. Với gia đình chị, khoảng thời gian vui nhất là lúc cả nhà quây quần bên mâm cơm, mọi người cùng chuyện trò, chia sẻ sau một ngày làm việc, học hành vất vả.

Chị Nguyễn Thanh Hà chia sẻ: “Nấu một bữa cơm ngon cho gia đình là niềm hạnh phúc, thể hiện tình yêu thương đối với con, với chồng của những người phụ nữ. Vì thế, vào những ngày nghỉ tôi luôn dành thời gian để chế biến món ăn mà chồng con thích, hay dạy con gái nấu những món ăn truyền thống để tạo một sự gắn kết, quan tâm giữa các thành viên trong gia đình”.

Một gia đình hạnh phúc là ở đó mọi thành viên luôn có sự chia sẻ, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau từ những việc đơn giản. Lo cho gia đình bữa ăn ngon cũng là cách để thể hiện tình cảm với ông bà, bố mẹ, con cái, anh em trong nhà.

Cuộc sống thời hiện đại, mọi người dành thời gian cho công việc nhiều hơn, quỹ thời gian dành cho việc nhà sẽ ít đi. Thế nhưng, nếu các thành viên trong gia đình đều có ý thức vun đắp thì vẫn duy trì được những bữa cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc, trong đó người mẹ, người vợ chính là nhân tố quan trọng để thắp lên ngọn lửa yêu thương trong nhà.

Chị Nguyễn Thu Phương, ở Thái Bình tâm niệm: “Theo tôi nghĩ, mỗi gia đình, đặc biệt là người phụ nữ nên đặt tình cảm, tấm lòng của mình vào mỗi bữa ăn; nên lôi kéo các thành viên của gia đình mình quay lại với bữa ăn truyền thống, có thể một ngày chỉ ăn bữa tối thôi chẳng hạn. Đấy chính là lúc các thành viên trong gia đình chia sẻ tình cảm, công việc và hiểu nhau hơn trong cuộc sống cũng như xây dựng một gia đình hạnh phúc”.

Theo bác Đỗ Chí Nhân, 60 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội: Ngày nay, thật khó để duy trì đông đủ mọi người 3 bữa một ngày, nhất là ở thành thị, gia đình trẻ. Tuy nhiên, nếu biết hướng tình cảm về tổ ấm thì bằng cách này hay cách khác, mọi người cũng sẽ thu xếp được những bữa cơm gia đình cấm cúng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Từ bữa cơm, ông bà, cha mẹ có thể chỉ bảo con cháu cách ăn, cách nói, cách ứng xử có văn hóa, sống có nhân cách, có nghĩa, trở thành những hạt nhân, những công dân có ích cho xã hội.

Sự gần gũi giữa các thành viên sẽ vun đắp hạnh phúc cho mỗi gia đình (Ảnh: Lại Thìn)

Bác Đỗ Chí Nhân nói: “Với mỗi gia đình Việt Nam, việc tổ chức bữa cơm gia đình để có sự đoàn tụ ông bà, cha mẹ, con cháu sau một ngày làm việc học tập thì đấy là một nét đẹp truyền thống. Phải giữ hạnh phúc gia đình, chất gắn kết không gì bằng chăm lo cho nhau cái ăn, cái mặc. Những vợ chồng trẻ khi có con cái thì nên tổ chức bữa cơm thật thường xuyên, đấy là ý nghĩa mang đến hạnh phúc của bữa cơm truyền thống trước đây là gắn kết các thành viên trong gia đình”.

Ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Từ năm 2001, Chính phủ quyết định lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị của gia đình, hướng tới mục tiêu chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc thực sự là tổ ấm của mỗi người là tế bào lành mạnh của xã hội.

Trong 2 năm qua, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch chọn chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) là "Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương", với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm.

“Tôi nghĩ rằng gia đình nào cũng cần có giây phút sum họp, đó chính là bữa cơm truyền thống của gia đình Việt Nam. Bữa cơm đó cần có sự đóng góp, chia sẻ cũng như cùng hưởng của các thành viên trong gia đình. Tôi nghĩ rằng cần phải luôn duy trì bữa cơm này trong mỗi gia đình, vì đây là những giây phút hạnh phúc, thứ giãn, gắn kết tình cảm tất cả thành viên trong gia đình Việt Nam” - ông Vương Duy Biên nói.

Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Việc duy trì bữa cơm gia đình trong mỗi gia đình hiện đại ngày nay là điều cần thiết, là một nét văn hoá truyền thống rất cần được gìn giữ, phát huy./.