15 tháng sau ngày xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng không ai muốn nhớ ở đèo Lò Xo, ông Nghiêm Viết Chính vẫn gửi đơn tới các cơ quan chức năng và chờ đợi trả lời, và rồi lại chờ đợi… Nếu như chúng ta thiếu trách nhiệm, không điều tra rõ ràng để xử lý nghiêm minh những vụ tai nạn giao thông thì… bát hương và miếu nhỏ ven đường sẽ nhiều thêm.

Lật lại trang nhật ký buồn

2h15 sáng 16/06/2018, trên đường Hồ Chí Minh, đoạn đèo Lò Xo qua xã Đăk Pét, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, khiến 3 người tử vong và hàng chục người bị thương… Trang nhật ký buồn ấy dẫn chúng tôi tới một loạt thông tin những tưởng đã quên đi bỗng lại hiện về trong tháng an toàn giao thông này.

xe_khach_po_co__kkru.jpg
Xe khách lao xuống vực, nằm lật sát mép sông Pô Cô.

Xe khách biển kiểm soát 34B-002.69 của nhà xe Đức Chính do lái xe Vũ Văn Hồng (42 tuổi) điều khiển đang đổ đèo Lò Xo trên hành trình Bắc-Nam bất ngờ lao thẳng xuống vực từ độ cao hơn 30m. Trên xe có 44 người. Một hành khách ở Hải Phòng đưa mẹ ruột và 2 con vào Bình Phước kể lại là lúc xảy ra tai nạn mọi người đang ngủ. Bỗng nhiên anh này nghe thấy tài xế nói là mất phanh, sau đó đang hoảng loạn thì xe lao xuống vực… Hậu quả có 3 người thiệt mạng, đó là cụ bà 67 tuổi và 2 cháu nhỏ trên 10 tuổi. Hàng chục hành khách bị thương nặng nhẹ khác nhau. Họ cho biết đã phải kêu gào, khóc lóc, tới hơn 4 giờ mới có vài anh công an, sau đó thêm 4, 5 anh bộ đội tới triển khai cứu hộ.

Đọc thông tin càng thêm đau buồn khi biết trên chuyến xe “định mệnh” này có hơn chục em nhỏ được cha mẹ đưa đi du lịch, về thăm quê dịp nghỉ Hè. 2 em thiệt mạng, còn lại bị thương. Tai nạn xảy ra giữa tháng hành động “Vì trẻ em” và Năm an toàn giao thông 2018 có chủ đề “An toàn giao thông cho trẻ em”.

Ngay tối hôm ấy, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia là ông Khuất Việt Hùng và đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã đến Kon Tum. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kon Tum khẩn trương xác minh nguyên nhân của tai nạn đau buồn này, phải trả lời bằng được câu hỏi là tại lái xe hay tại xe?

Những câu trả lời không rõ ràng

Với chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng và hành động tức thời của các cơ quan chức năng, hậu quả của vụ tai nạn phần nào đã được khắc phục. Việc đền bù của chủ xe, cùng với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và tiền hỗ trợ của địa phương, việc miễn phí điều trị cho nạn nhân… đã xoa dịu đau thương, mất mát. Việc xử lý sai sót của nhà xe, của doanh nghiệp cũng được làm rốt ráo để chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những câu hỏi chưa được trả lời rõ ràng.

Vết lốp xe phanh cháy đường trước khi lao xuống vực.
Ông Khuất Việt Hùng thị sát hiện trường vụ tai nạn.

Trước hết là câu hỏi mà Phó Thủ tướng yêu cầu phải điều tra khẩn trương và trả lời bằng được. Với quyết định “không khởi tố vụ án hình sự” của Công an huyện Đắk Glei, do thiếu tá Nguyễn Bá Minh ký ngày 29/12/2018, có thể thấy câu trả lời đưa ra quá chậm! Việc điều tra, giám định không phức tạp nhưng kéo dài hơn nửa năm, không thể không khiến công luận đặt ra câu hỏi rằng, có phải làm chậm để vụ việc giảm nhiệt hay không? Đã chậm lại trả lời không rõ ràng, chưa thỏa đáng! Không khởi tố tức là lỗi không do lái xe, nhưng đọc bản kết luận xác minh có thể thấy ngay lái xe không làm chủ tốc độ. Không quy lỗi cho lái xe, nhưng cơ quan điều tra cũng không kết luận được tai nạn là do tình trạng kỹ thuật xe, hay do chủ xe, doanh nghiệp, đường sá.

Tai nạn gây thương vong nhiều, nhưng “không khởi tố vụ án hình sự” tức là không ai có lỗi. Vậy nên, 15 tháng sau cái ngày không ai muốn nhớ ấy, chủ xe khách 34B-002.69 là ông Nghiêm Viết Chính vẫn gửi đơn tới các cơ quan chức năng với nhiều câu hỏi và kiến nghị. Ông Chính không thể hiểu được vì sao với vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tới mức ấy lại không khởi tố? Lẽ ra phải khởi tố điều tra nguyên nhân cụ thể, rõ ràng, để xử lý thỏa đáng, và còn để sửa chữa khắc phục tồn tại, hạn chế tai nạn xảy ra về sau này. Ông Chính gửi đơn tới nhiều nơi, có nơi gửi nhiều lần rồi chờ đợi trả lời, và rồi lại chờ đợi…

Chẳng lẽ tai nạn xảy ra chỉ bởi nguyên nhân khách quan, không có lỗi chủ quan của con người? Nên nhớ, đường sá không đảm bảo an toàn cũng có lỗi chủ quan, vấn đề là cần làm rõ trách nhiệm cá nhân. Lần đó ở Kon Tum, ông Khuất Việt Hùng yêu cầu phải kiểm tra toàn tuyến 27km đèo Lò Xo, cho dù đèo vừa được nâng cấp khá rộng đẹp. Ông Hùng cũng nhắc đến phương án làm hộ lan bánh xoay ở nơi có móng chắc. Nhưng rồi, có làm hộ lan bánh xoay hay không, làm hộ lan mềm ở chỗ nào? Biển báo tốc độ, cọc tiêu ra sao? Có mở rộng khúc cua không? Điểm dừng nghỉ, bảo dưỡng xe đặt ở đâu? Có cho xe khách vượt đèo ban đêm không? Cần làm gì nữa để đèo Lò Xo không còn là “đèo tử thần”?... Những câu hỏi ấy không mới, cứ mỗi lần có tai nạn nghiêm trọng người ta lại nói với nhau rồi để đó, hoặc trả lời không rõ ràng, và khi nhiệt độ, áp lực từ những mất mát nguội dần thì… không ai nhắc tới nữa.

Bát hương và miếu nhỏ ven đường, vì thế, sẽ nhiều thêm. Mất mát, thiệt hại còn tiếp diễn và sẽ nặng nề hơn nếu như chúng ta thiếu trách nhiệm, không điều tra rõ ràng để xử lý nghiêm minh và thỏa đáng những vụ tai nạn giao thông, nhất là đối với vụ rất nghiêm trọng như đã nêu ở đèo Lò Xo./.