18 bệnh nhân chạy thận nhân tạo bất ngờ xuất hiện đồng loạt triệu chứng của sốc phản vệ tại đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào ngày 29/5 khiến 7 bệnh nhân tử vong, 11 người khác được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

at1_vov_xlhz.jpg
Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội.

Bên hành lang Quốc hội sáng 30/5, Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí liên quan đến vụ việc nêu trên.

Giáo sư Nguyễn Anh Trí cho rằng, việc tạm dừng chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình là đúng đắn. Nên tạm thời dừng hoạt động để vừa rút kinh nghiệm, vừa rà soát lại hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, nước, thuốc men từ đó có bằng chứng rút kinh nghiệm tốt hơn.

PV:Theo ông, 100 bệnh nhân chạy thận ở Hòa Bình được chuyển lên Bạch Mai, việc này có quá tải không?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Chắc chắn là có rồi. Bây giờ phải nói nhóm bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo càng ngày càng nhiều, tỉnh Hòa Bình mới thành lập trung tâm nhưng bây giờ đã có đến hàng trăm người.

Đây là nỗi lo nhưng đứng về góc độ chuyên môn thì đây là điểm mừng cho tỉnh khi đã tổ chức được trung tâm như vậy.

100 người bệnh từ Hòa Bình về Hà Nội nói về số lượng thì nhiều nhưng đứng về mặt chất lượng, thụ hưởng ưu thế về mặt chạy thận nhân tạo là có lợi cho bệnh nhân.

Bộ Y tế cần vào cuộc để chia sẻ, bởi các máy chạy thận ở khu vực Hà Nội hiện nay là rất nhiều, hoàn toàn đủ khả năng đảm đương. Tôi tin Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế sẽ giải quyết vấn đề này.

PV:Theo ông thì ngành Y tế nên làm gì tiếp theo sau vụ việc ở Hòa Bình?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Cả nước có rất nhiều cơ sở có máy và các trung tâm chạy thận nhân tạo, chúng ta có rất nhiều bệnh nhân cần chạy thận nhân tạo.

Có thể nói sự cố y khoa là rất đau lòng nhưng đây cũng là việc thường xuyên xảy ra trong lúc hành nghề, bất cứ quốc gia nào cũng thế. Vấn đề của chúng ta là làm sao cho sự cố y khoa ít nhất, thấp nhất, ít nghiêm trọng.

Nhưng sự cố ở Hòa Bình vừa qua là rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, có sợ không thì không nên sợ. Đó chỉ là một trung tâm ở tỉnh miền núi, còn cả nước có rất nhiều trung tâm khác hiện đại, có những bậc thầy của các bác sĩ ở Hòa Bình.

Nhân đây, tôi muốn nói sự cố y khoa ở Hòa Bình là có thật nhưng chúng ta không nên hoang mang, các cán bộ y tế càng không nên, không được phép hoang mang, bởi nếu như vậy sẽ không thể làm việc.

Tôi cũng mong dư luận, cộng đồng hiểu về vấn đề đó, hết sức bình tĩnh.

PV:Hiện nguyên nhân của vụ việc đang được các cơ quan điều tra, tuy nhiên theo Giáo sư thì có nên công bố nguyên nhân?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Rất nên công bố nguyên nhân và tôi đã nói điều này với Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là cần sớm phải công bố bởi bệnh nhân đã tử vong rồi. Tôi cam đoan không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý.

Chắc chắn lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Bộ Y tế cũng sẽ hành động như vậy.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư!