Chiều ngày 28/11, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội với hợp với các Ban, ngành, địa phương tổ chức lễ tuyên “Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng”. 400 cá nhân được vinh danh đều là những tấm gương tiêu biểu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong lĩnh vực an sinh xã hội ở khắp mọi miền đất nước. Những hoạt động thầm lặng của họ đã và đang góp phần cùng Đảng, Nhà nước chăm lo, giúp đỡ cho những người hoàn cảnh khó khăn.
Đây là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 đại biểu tiêu biểu nhất trong lĩnh vực công tác xã hội ở khắp mọi miền đất nước. Đó là những người dân đã và đang dành công sức, tiền của của mình và vận động xã hội chăm lo cho người có công với cách mạng, chăm sóc các nghĩa trang liệt sỹ, chăm sóc người cao tuổi, trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tâm thần, người khuyết tật…
Tiêu biểu như ông Nguyễn Trung Chắt, Giám đốc của 3 cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ em mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Kể từ năm 2003 đến nay, các trung tâm của ông đã tiếp nhận và chăm sóc hàng trăm trẻ em mồ côi hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo việc làm cho các em đã trưởng thành. Chia sẻ về công việc của mình, ông Nguyễn Trung Chắt cho biết: "Việc làm của mình cũng là cách để dạy cho con mình, sau này cuộc sống làm sao có ý nghĩa hơn. Cuộc sống thì tôi vẫn thường dạy các cháu ở trung tâm, giá trị cuộc sống con người không phải là nhiều tiền hay ít tiền, không phải là chức tước, chức vụ, địa vị danh xưng gì khác mà mình làm sao có hiểu biết, làm sao để mình có thể làm điều gì đó tốt đẹp, giúp đỡ cho người khác thì đấy là cái giá trị cuộc sống, thì mình cố gắng sống cuộc đời làm sao có giá trị".
Bà Nguyễn Thị Tường Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn các vấn đề về Gia đình và Trẻ em, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội hỗ trợ cộng đồng bằng việc truyền thông về Luật Bình đẳng giới, tư vấn miễn phí cho những đối tượng khó khăn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em nhỏ. Bà cũng là một trong những thành viên đóng góp ý tưởng và đặt nền móng cho những viên gạch đầu tiên của mô hình “Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh” tại cộng đồng. Bằng kinh nghiệm của những năm hoạt động công tác xã hội, bà đã cùng với cán bộ làm công tác Bình đẳng giới tích cực tham gia giải thích, hòa giải và tư vấn cho các trường hợp khi họ tìm tới “Địa chỉ tin cậy- nhà tạm lánh”. Dù tuổi đã cao nhưng với bà, việc tư vấn, hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội làm cho cuộc sống có ý nghĩa hơn. "Tôi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Thực ra bây giờ, ở tuổi cao rồi, nhưng tôi quên tuổi mình đi mà thấy vui vì quanh mình có những người bạn, từ những đứa trẻ cho đến những người già, là nơi người ta gửi gắm tâm sự. Việc tôi làm như thiện, thiện tâm, tích đức.Mình cứ âm thầm mình làm thôi và cũng không mong được vinh danh gì cả", bà chia sẻ.
Còn với bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Thanh Tâm, thành phố Đà Nẵng thì động lực để bà gắn bó với hoạt động chăm sóc trẻ khuyết tật nhiều năm qua đó là giúp các trẻ em khuyết tật có một môi trường phù hợp để học tập, làm việc, trở thành những người có ích cho cộng đồng: "Chúng tôi nghĩ là các trẻ em khuyết tật nhưng mà là những trẻ em bình thường. Nếu mà các em được yêu thương, được một môi trường để các em phát triển, thì mọi các em đều phát triển có những điểm không ngờ mà chúng ta không biết được. Có những em mặc dù khuyết tật, nhưng đến khi các em được chung tay giúp đỡ, thì các em các em sẽ trở thành những người có ích cho cộng đồng. Chính là sự thành công của các em, chính hạnh phúc của các em cũng là sự thành công và hạnh phúc của chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi có thể tiếp tục công việc của mình".
400 tấm gương được tuyên dương tại buổi lễ, dù ở những công việc khác nhau, ở các địa phương khác nhau trên khắp đất nước, nhưng đều là những tấm gương sáng vì cộng đồng, vì xã hội. Những việc làm thầm lặng, bằng trái tim và sự nhiệt huyết của mình, các cá nhân đang hàng ngày chăm lo cho cộng đồng xã hội, cho những người yếu thế, thiệt thòi hơn trong cuộc sống mà không đòi hỏi điều gì lớn lao ở xã hội./.