Với 68 bệnh viện công lập và 39 bệnh viện ngoài công lập, thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất đông bệnh nhân. Tuy nhiên, người bệnh chỉ tìm đến những bệnh viện công lập, trong khi những bệnh viện tư nhân dù cơ sở vật chất khang trang nhưng luôn trong tình trạng vắng vẻ. 

Năm 2013, khi lần đầu tiên một hội nghị về hợp tác y tế công – tư được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện nhất là hệ thống bệnh viện tư nhân tỏ ra rất hào  hứng vì nếu sự hợp tác được hình thành, sẽ mở ra rất nhiều cơ hội để hệ thống bệnh viện tư có bước đột phá để phát triển.

vien_phi_psxw_isme.jpg
(Ảnh minh họa)

Nhưng mãi đến 2 năm sau, vào tháng 5/2015, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện quốc tế City ở quận Bình Tân mới hợp tác được với nhau. Đến tháng 10/2015, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Bệnh viện tư nhân Hồng Đức ở quận Gò Vấp; Bệnh viện quận 2 hợp tác với Bệnh viện tư nhân Phúc An Khang.

Để có được những cái bắt tay này, các bệnh viện trải qua không dưới chục lần ngồi lại thương thảo với nhau và thời gian bàn bạc kéo dài ngót nghét cũng gần một năm. Nhưng khi đã kí hợp tác với nhau thì kết quả cũng không được như mong đợi.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Hiện tại 2 bên đã kí hợp đồng cách đây một năm, nhưng việc thực hiện không hiệu quả. Số lượng bệnh nhân chuyển qua đó rât thấp. Trong 1 năm chỉ chuyển được vài ba bệnh nhân. Thậm chí là cho cam kết 2 lần: cho bệnh nhân chuyển qua bên đó và nếu bệnh nhân khi đã qua đó mà không đồng ý thì vẫn cho chuyển ngược trở về Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Chỉ vài ba bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện quốc tế City trong vòng 1 năm thì rõ ràng mục đích của sự hợp tác này là không thể đạt được. Bởi sự hợp tác y tế công – tư, theo như mong muốn của Bộ Y tế, đó là giúp giảm tải cho bệnh viện công và mang lại thương hiệu cho bệnh viện tư.

Chỉ một vài bệnh nhân thì không thể thấm vào đâu so với con số trung bình  từ 5.000 đến 6.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Còn tại Bệnh viện quốc tế City thì công suất giường bệnh cũng nằm ở mức trên dưới 30% và mỗi tháng thì lỗ 1 triệu USD vì không có bệnh nhân.

Tại Bệnh viện quận 2,  kết quả của sự hợp tác với Bệnh viện Phúc An Khang cũng nằm dưới mức mong đợi của cả hai bên. Sau 6 tháng thực hiện, có khoảng 60 bệnh nhân của Bệnh viện quận 2 chấp nhận sang điều trị tại Bệnh viện Phúc An Khang.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 nhận định, nguyên nhân chủ yếu của việc bệnh nhân không chấp nhận sang điều trị tại bệnh viện tư nhân đó chính là rào cản về mặt viện phí. Bệnh viện tư tính chi phí cao hơn, có những chi phí cao hơn 50% hoặc có giường 1-2 triệu đồng/ngày.

Viện phí đã trở thành rào cản lớn nhất trong việc hợp tác y tế công – tư. Bệnh viện tư nhân phải hạch toán kinh doanh sao cho phải có lợi nhuận để chi trả cho nhân viên y tế và để tái đầu tư. Trong khi đó, giá viện phí tại bệnh viện công lập hiện nay chỉ mới được tính chưa đủ 4/7 cấu phần.

Để chấp nhận sang điều trị tại bệnh viện tư nhân với sự hỗ trợ của bác sĩ bệnh viện công, người bệnh phải chấp nhận mức chênh lệch giá viện phí từ 2 đến 2,5 lần so với giá bệnh viện công lập.

Chính vì vậy, dù được đánh giá là mô hình hợp tác y tế công – tư tốt nhất hiện nay nhưng số lượng bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang Bệnh viện tư nhân Hồng Đức sau 6 tháng triển khai cũng chỉ là 210 người. Tính trung bình, một ngày chỉ chuyển được 1 bệnh  nhân. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là 1 ngày chuyển từ 3 đến 4 bệnh nhân.

Bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Về viện phí thì Bệnh viện Hồng Đức cũng đăng kí thanh toán bảo hiểm y tế nên người bệnh cũng yên tâm. Tuy nhiên, đây là bệnh viện tư và việc điều trị là theo yêu cầu người bệnh nên chi phí chắc chắn cao hơn. Ví dụ như chi phí trọn gói cắt thùy tuyến giáp là khoảng 12 triệu tại BV Hồng Đức, trong khi đó kỹ thuật này nếu thực hiện tại BV Ung bướu là tầm 7-8 triệu”.

Với mức giá cao gần như gấp đôi này thì rõ ràng là rào cản rất lớn để bệnh nhân chọn lựa được điều trị tại bệnh viện tư. Mặc dù Bệnh viện Hồng Đức cho biết đây là đã mức giá ưu đãi cho Bệnh nhân từ Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh chuyển qua. Ông Nguyễn Huỳnh Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội đồng tài chính, Bệnh viện Hồng Đức cho biết mức viện phí dành cho bệnh nhân hợp tác y tế công – tư chỉ cao hơn giá bệnh viện công khoảng 22%.

Việc hợp tác y tế công – tư nếu chỉ đáp ứng nhu cầu của bệnh viện có lẽ sẽ không thể đạt được mục đích và ý nghĩa tốt đẹp. Việc hợp tác này nên chăng phải đặt vào đó quyền lợi của người bệnh mà  cụ thể là viện phí.

Theo ý kiến của nhiều bác sĩ thì: để giải quyết tốt bài toán hợp tác y tế công – tư thì trước hết phải giải quyết về viện phí sao cho phù hợp cả bệnh viện và bệnh nhân./.